Những đường hầm bí mật này được đào cụ thể vào thời gian nào, một khối lượng đất đá khổng lồ được quân đội Nhật đem đổ ở đâu, hiện vẫn còn là một điều gây tranh cãi!...
|
Cửa vào hầm ở phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt |
Một hệ thống địa đạo
Phóng viên có dịp được lọt vào đường hầm bí mật phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt. Một đường hầm nhỏ nằm sâu dưới lòng đất chừng 5 m, ngoằn ngoèo lách qua các kẽ đá ngầm vẫn còn rỉ nước.
Tại điểm này, đường hầm có chiều cao khoảng 1,5 m, rộng chừng 1,3 m. Càng đi sâu vào bên trong, không khí trở nên ẩm mốc, lạnh lẽo. Đường hầm được chia thành nhiều nhánh rẽ đi các nơi tạo thành một hệ thống địa đạo, rất khó xác định được phương hướng.
Theo một người dân sống gần đó cho biết, đây chỉ là một đoạn nối liền với đường hầm chính chạy từ Dinh I sang Dinh II cách nhau khoảng 3 km và đã bị sập ở nhiều đoạn.
|
Nhiều người cho biết, đây chỉ là một nhánh hầm nhỏ nối liền với đường hầm chính chạy từ Dinh I sang Dinh II dài khoảng 3km |
Cụ Nguyễn Đức Hòa, một người đã được vào Dinh phục vụ Bảo Đại từ năm 13 tuổi kể lại, khi cụ vào Dinh thì đường hầm đã có rồi. Địa đạo này được quân đội Nhật cho đào từ khi nào cho đến nay cụ vẫn không rõ.
Một khối lượng đất đá khổng lồ từ việc đào đường hầm này được quân đội Nhật đem đổ ở đâu hiện còn đang là một điều bí ẩn. Đường hầm không chỉ thông giữa Dinh I và Dinh II mà còn phân nhánh tới các căn biệt thự số 11, 16, 18, 26… trên đường Trần Hưng Đạo nhằm bắt sống các quan lại người Pháp đang sinh sống tại đây.
Khi về Dinh làm được một thời gian, trong một lần lau dọn phòng, cụ Hòa phát hiện một đường hầm sâu hun hút, đen ngòm từ lầu 2 của Dinh, thông ra đến đâu thì cụ không rõ.
Cụ còn cho biết, Cựu hoàng Bảo Đại là người rất quan tâm đến những người phục vụ trong Dinh, thường đi đâu cũng cho ông đi theo. Song Bảo Đại căn dặn: “Tuyệt đối không được hé răng cho ai biết có đường hầm này”. Kể từ đó, để bảo toàn tính mạng, cụ không để ý đến đường hầm này nữa.
Đường hầm bí mật được xây từ tầng hai của Dinh I, có bậc tam cấp đi xuống phòng làm việc, phòng khách, rồi thông ra sân sau đến bãi đáp trực thăng. Tại đây, chiều rộng của hầm là 3 m, cao 1,8 m, cách mặt đất 2 m, theo đường hầm đi vào bên trong có chỗ sâu tới gần 10 m nên rất an toàn.
Ở những ngã rẽ đến các dinh và biệt thự đều có một khu vực được đào rộng hơn bình thường, xuyên lên mặt đất và được ngụy trang bằng các cành cây phía trên. Nhiều người cho rằng, những nơi này chính là căn cứ của Bộ tham mưu Nhật.
Cụ Hòa cho biết, khi phát hiện ra đường hầm này, Bảo Đại đã cho đặt một xe du lịch ngay cửa hầm, phòng khi bất trắc thì có thể lên xe chạy đi lánh nạn.
|
Đi sâu vào trong, đường hầm có nhánh tỏa đi nhiều nơi |
Cửa thoát hiểm của Ngô Đình Diệm
Năm 1956, Ngô Đình Diệm hất cẳng Bảo Đại, Dinh I được dành riêng cho Tổng thống làm việc và nghỉ ngơi. Dinh II do vợ chồng “cố vấn” Ngô Đình Nhu sử dụng, Dinh III dùng để làm nơi phục vụ các quan khách cao cấp của Ngô Đình Diệm mỗi khi có dịp lên Đà Lạt thăm và làm việc.
Cũng trong thời gian này, cụ Hòa lại được Ngô Đình Diệm điều về phục vụ tại Dinh I nên có điều kiện biết rõ hơn mọi ngóc ngách của đường hầm bí mật này.
Cụ Hòa kể, khi mới về đây làm việc, vào những buổi trưa khi mọi người đã về hết, cụ cùng vài người thân phục vụ trong Dinh như: cụ Lê Ký, cụ Sáng, cụ Dinh… thường cầm theo đèn pin lẻn xuống đường hầm rồi mò vào sâu tới 500 m. Càng vào sâu bên trong rễ cây đâm xuống tua tủa và có rất nhiều dơi. Các cụ không dám vào sâu trong hầm vì sợ có người phát hiện.
Để thuận lợi cho việc trốn thoát khi có tình huống xấu xảy ra, Ngô Đình Diệm đã cho xây cửa đường hầm ngay cạnh đầu giường phòng ngủ của mình. Phía trước được ngụy trang bằng một giá sách, chỉ cần đẩy sang một bên là có thể bước vào cửa sắt dẫn xuống đường hầm. Nếu đi từ phía nhà vệ sinh thì chỉ cần đẩy nhẹ bức vách là có thể bước ngay vào miệng hầm bí mật này.
Phía dưới, đường hầm được chia làm 3 phòng; phòng nghỉ ngơi và làm việc của Tổng thống, phòng điện đài cơ yếu và phòng bảo vệ, có máy phát điện liên tục 24/24. Toàn bộ những thiết bị này đều được điều khiển một cách tự động.
Cụ Hòa cho biết: “Sau khi Dinh Độc lập bị ném bom, Ngô Đình Diệm liền cho gọi nhà thầu Phan Xứng đến ra lệnh đổ bêtông, xây lại đường hầm bí mật thật kiên cố để phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra. Trong thời gian này, Ngô Đình Diệm tỏ ra rất sốt sắng cho kế hoạch kiên cố hóa đường hầm của mình!…”.
|
Đường hầm lách qua nhiều lớp đất đá |
Để kiên cố hóa đường hầm cho Ngô Đình Diệm, nhà thầu Phan Xứng đã phải huy động trên 20 thợ sắt, thợ hồ lành nghề đến ăn ở và làm việc tại chỗ. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, công việc tu sửa kéo dài ròng rã suốt hai năm mới xong. Nhưng đến năm 1960, một số nơi trong đường hầm bị rạn nứt nên phải làm lại.
Sau khi làm xong đường hầm tuyệt mật này, những người thợ lành nghề không còn thấy ai trở về với gia đình nữa. Nhiều người cho rằng, họ đã bị bí mật thủ tiêu để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Theo Trúc Phương - Khắc Lịch
Bee
Vui lòng nhập nội dung bình luận.