Đó là ý kiến thống nhất chung của các nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý được nêu ra tại Hội thảo về quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng tại Đường Lâm diễn ra sáng 13.6 tại Hà Nội.
Tại hội thảo, TS Phạm Hùng Cường - chủ trì đồ án của đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch cho rằng, giá trị và đặc thù của di tích làng cổ Đường Lâm chính là sự tổng hòa, cấu trúc không gian, cảnh quan và môi trường. Vì vậy, phải giữ trọn vẹn toàn bộ cấu trúc không gian của 5 thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Cam Thịnh.
Đặc biệt trọng tâm bảo tồn di tích là thôn Mông Phụ nên cần giữ trọn vẹn cấu trúc thôn, cho phép xây dựng nhà 1 tầng, giữ lại đình chùa, miếu và cải tạo con đường lát gạch. Đối với khu vực khoanh vùng khu vực II sẽ cho phép xây nhà tối đa 2 tầng và công trình không ảnh hưởng đến các di tích đã xếp hạng.
Sau khi nghe ông Cường trình bày, GS Phan Huy Lê cho rằng: “Chúng ta cần nghiêm chỉnh chấp hành Luật Di sản, bảo tồn khu vực I, không cho xây nhà 2 tầng. Nếu ta cấp phép 1 lần thì chỉ vài tháng là sẽ xóa sổ toàn bộ di sản khu vực này”.
GS Trần Lâm Biền cũng đồng tình với ý kiến trên: “Không nên xây dựng mới nhà 1 hay 2 tầng tại khu vực I, nơi di tích có giá trị nguyên gốc. Tuy nhiên cũng nên sâu sát, lắng nghe ý kiến của người dân. Nếu hộ dân nào muốn xây dựng thì có thể ra khu mới”.
Ngoài ra cũng tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần nới rộng khoanh vùng khu vực I gồm đền, lăng Ngô Quyền, đền Phùng Hưng, Vũng Hùm, đồi Gầm, rặng duối cổ vì đây cũng là những địa danh có kiến trúc cảnh quan nguyên gốc và cần được bảo tồn.
Thanh Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.