Đường sắt thông báo thiệt hại hơn 50 tỷ đồng vì sập hầm
Đường sắt thông báo thiệt hại hơn 50 tỷ đồng vì sập hầm
Thế Anh
Thứ tư, ngày 08/05/2024 19:34 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Đường sắt Việt Nam cho biết, sự cố sập hầm đường sắt Bãi Gió khiến nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục bị giảm.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo thiệt hại về sự cố sập hầm đường sắt Bãi Gió giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, ước tính thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.
Cụ thể, sự cố sụt lở đất đá trên đỉnh hầm Bãi Gió làm ách tắc tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh từ lúc 12h45 ngày 12/4/2024 đến 18h30 ngày 21/4.
Vụ sụt lở đã khiến các đoàn tàu từ hai hướng không thể lưu thông qua khu vực và phải phong tỏa khu gian giữa ga Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) và ga Đại Lãnh (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tổng thiệt hại do sự cố gây ra ước tính hơn 50 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí tham gia khắc phục sự cố hơn 3,6 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố hơn 18,7 tỷ đồng; thiệt hại làm giảm doanh thu ảnh hưởng từ sự cố hơn 28 tỷ đồng.
Ông Khánh cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và Đường sắt đã tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố.
Cùng với đó, Đường sắt chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện chuyển tải hành khách và hàng hóa bằng phương tiện đường bộ đảm bảo an toàn, thuận lợi cho hành khách đối với các tàu đi từ phía Nam ra phải dừng ở Ga Giã ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và các tàu đi từ phía Bắc vào phải dừng ở Ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
"Do ảnh hưởng của sự cố kéo dài, nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục bị giảm, chưa hồi phục trở lại được như trước khi sự cố xảy ra", ông Khánh nói về thiệt hại.
Được biết, các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh được Nhà nước đầu tư đã triển khai từ năm 2019 và hiện nay vẫn đang trong giai đoạn triển khai.
Khi các dự án này hoàn thành, năng lực thông qua của tuyến sẽ được nâng cao, rút ngắn thời gian chạy tàu và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, trong quá trình thi công các dự án trên, hoạt động vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn do năng lực chạy tàu giảm sút, thời gian chạy tàu kéo dài. Số tiền giảm doanh thu do bị ảnh hưởng phong tỏa, chạy chậm phục vụ thi công và các chi phí liên quan đến vận dụng đầu máy, kéo dài thời gian quay vòng toa xe ước tính hơn 200 tỷ đồng/năm.
Để hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, giảm khó khăn, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khách hàng, VNR đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tại Thông tư 44/TT-BTC/2023 cho đến khi hoàn thành toàn bộ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang tiến hành sáp nhập đường sắt Hà Nội và Sài Gòn trong năm nay để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, giảm tính cạnh tranh đem lại hiệu quả trong kinh doanh sản xuất.
Tại đề án cơ cấu doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lựa chọn phương án hợp nhất hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Vào cuối tháng 4/2024, hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên và đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty, phương án hoạt động kinh doanh, điều lệ của công ty hợp nhất... Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt, tên viết tắt: VRT; vốn điều lệ hơn 1.303 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.