Xây dựng ASEAN vững mạnh vào năm 2015
Hội nghị nhất trí thiết lập Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải, và tăng cường hợp tác chống nạn buôn người ở Đông Nam Á.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi tiếp xúc với Tổng thống Indonesia Susilo Yudhoyono ngày 8.5. |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono trên cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2011 - khẳng định thành công của Hội nghị lần này giúp cho các nước thành viên xích lại gần nhau hơn trong các vấn đề cùng quan tâm, đồng thời thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác mang tính xây dựng giữa các nước thành viên trong nỗ lực giải quyết các vấn đề của khối nói riêng, của châu Á và toàn cầu nói chung.
Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh vị thế và vai trò đang gia tăng của ASEAN, đặc biệt trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực và dành ưu tiên, nguồn lực cao nhất cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng, cũng như cho các vấn đề ưu tiên của khu vực, mở rộng quan hệ đối tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Đây chính là cơ sở và nội lực để ASEAN có thể phát huy vai trò của mình trên trường quốc tế.
Myanmar là Chủ tịch ASEAN năm 2014
Trước đó, khi thảo luận về vấn đề mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo cho rằng, bên cạnh 5 lĩnh vực ưu tiên hiện nay là xây dựng đối tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA), tài chính, giáo dục, năng lượng, quản lý thiên tai và phòng chống cúm gia cầm, EAS cũng cần bàn về các vấn đề chiến lược quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực để góp phần tạo dựng và bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, gắn kết các đối tác lớn, như Nga và Mỹ, cùng tham gia thực hiện các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN.
Cơ chế hợp tác Cấp cao Đông Á (EAS) là một diễn đàn gồm các quốc gia ở châu Á được các lãnh đạo của 16 quốc gia Đông Á và khu vực lân cận tổ chức, trong đó Khối ASEAN là trung tâm. Nga đã đệ đơn làm thành viên của khối vào năm 2005 và đang tham dự với tư cách là quan sát viên.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, đặc biệt là những kết quả cụ thể trong năm VN làm Chủ tịch ASEAN 2010.
Ngày 8.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp riêng với Tổng thống nước chủ nhà Indonesia, Chủ tịch Cấp cao ASEAN 18, ông Susilo Yudhoyono. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có cuộc gặp với Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Tổng thống Myanmar Thein Sein để thúc đẩy quan hệ song phương và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Liên quan vấn đề biển Đông và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), các nhà lãnh đạo khẳng định hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh và an toàn hàng hải, là lợi ích chung của tất cả các nước. Mọi tranh chấp về chủ quyền ở biển Đông cần được giải quyết giữa các bên liên quan thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhấn mạnh, cần tăng cường đoàn kết, phối hợp tiếng nói chung đi đôi với thúc đẩy hơn nữa đối thoại và hợp tác với Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.
Về tình hình Thái Lan-Campuchia, các nhà lãnh đạo bày tỏ mong muốn hai nước sẽ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với tinh thần đoàn kết ASEAN. Cũng tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đồng ý trên nguyên tắc đề nghị của Myanmar đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào 2014.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.