Duyên nghiệp nữ võ sư Kim Huệ

Hùng Phiên Thứ sáu, ngày 01/08/2014 11:59 AM (GMT+7)
Với dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, nụ cười hiền trẻ trung, chẳng ai nghĩ Kim Huệ là một nữ võ sư năm nay 37 tuổi, thạo việc đồng áng và đã có gần 30 năm gắn bó với võ thuật cổ truyền. 
Bình luận 0

Võ như hơi thở

Thầy truyền nghề đầu tiên cho Nguyễn Thị Kim Huệ (xã Phước Thuận, Tuy Phước) là võ sư Nguyễn Đông Hải và Hòa thượng Thích Hạnh Hòa (chùa Long Phước, Phước Thuận). Theo võ sư Hải, Kim Huệ lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, 10 tuổi đã đến chùa Long Phước xin học võ. “Lúc ấy, Huệ bé xíu nhưng tỏ ra có tố chất và rất yêu thích võ thuật. Siêng năng tập luyện, chỉ mấy năm, Huệ đã thi triển nhuần nhuyễn các bài quyền và sử dụng tốt các loại binh khí như côn, kiếm, thương… của võ cổ truyền Bình Định. Nghiệp võ của Kim Huệ tự nhiên như hơi thở vậy”- võ sư Hải cho biết.

Thời con gái, Kim Huệ vừa học văn hóa vừa miệt mài gắn bó với đội tuyển võ thuật của tỉnh. Chị cùng lứa vận động viên Trần Duy Linh, Võ Văn Tính, Nguyễn Văn Cảnh,… đã nhiều lần mang vinh quang về cho võ thuật Bình Định trên các đấu trường. Giã từ sàn đấu, Kim Huệ lập gia đình, chuyển sang công tác huấn luyện, rồi đứng ra lập Câu lạc bộ (CLB) Võ thuật Kim Huệ.

Suốt chục năm qua, CLB đã trở thành địa chỉ thân thuộc của hàng nghìn võ sinh đất Tuy Phước (Bình Định). Hiện tại, CLB do chị trực tiếp đứng lớp có trên 100 võ sinh, tại 2 điểm tập là Trung tâm Văn hóa huyện Tuy Phước và Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận. Mỗi điểm luyện tập 3 buổi/tuần, cơ sở đơn sơ, nhiều dụng cụ tập luyện do cô trò tự làm nhưng không khí võ thuật vẫn xôn xao, náo nức cả một vùng quê.

Bỏ tiền túi đi thi đấu

Võ sư Nguyễn Đông Hải nhìn nhận: “Tôi quý Kim Huệ ở đạo đức làm người và đi đến cùng với duyên nghiệp võ cổ truyền dân tộc. Thế nhưng tâm huyết thì nhiều mà võ đường lại thiếu thốn quá. Trên 50 CLB, võ đường ở Bình Định đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động”.

Về phần mình, Kim Huệ cho biết chị cảm thấy rất vui khi Bình Định đã đăng cai tổ chức được Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam (2 năm/lần) từ lần I-2006 đến lần thứ V-2014 diễn ra từ 1 đến 4.8 tới. Tuy nhiên, việc đầu tư cho võ thuật ở cơ sở vẫn nhỏ giọt so với hiệu quả hoạt động. Với 4 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ, võ đường Kim Huệ đã góp phần quan trọng giúp huyện Tuy Phước vừa đoạt giải Nhất toàn đoàn Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh Bình Định (tháng 7.2014). Vậy mà ít ai biết, cô trò CLB Kim Huệ đã phải tự túc bỏ tiền túi về Quy Nhơn ăn ở, thi đấu dài ngày.

“Tôi đã làm đơn xin hỗ trợ nhưng địa phương lắc đầu. Vậy là thầy trò phải góp vét tiền nhà để chi phí đi thi”- võ sư Kim Huệ bộc bạch.

Chia sẻ với cái khó của thầy trò võ sư Kim Huệ, ông Ngô Hồng Sơn, Trưởng Đài Truyền thanh – Truyền hình Tuy Phước bày tỏ: “Ai cũng quý trọng chuyên môn và tư cách của võ sư Huệ. Tiếc là một CLB có nhiều đóng góp phát triển võ thuật như Kim Huệ mà cơ sở hoạt động lại hết sức tạm bợ. Bình Định cần phải chú trọng đầu tư sâu cho cơ sở, từ cấp các CLB từng vùng quê. Có như vậy, mới xứng tầm là cái nôi đất võ cổ truyền Việt Nam”.

  Từ ngày 1 - 4.8, Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ V diễn ra tại TP.Quy Nhơn, TX.An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước (Bình Định). Liên hoan quy tụ trên 1.000 võ sư, võ sĩ của 60 đoàn với 26 môn phái võ cổ truyền VN tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 30 đoàn võ thuật trong nước. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem