Duyên, chữ Nho là 缘, có nghĩa “phần do Trời định cho mỗi người”. Vậy tức là không thể tự gia cố cái duyên của mình cho mình, trời cho sao hưởng vậy. Đó cũng là tiền đề để cha mẹ thay Trời đặt đâu con ngồi đấy và đối với người Hán, hôn nhân không phải do tình yêu dẫn lối, mà là vấn đề sinh con nối dõi tông đường. Nhưng không chỉ người Hán, người mình xưa sau thời nguyên thủy bập ngay vào định chế phong kiến và thế là coi vấn đề hôn nhân chỉ duy nhất có ý nghĩa là duy trì nòi giống.
Duyên đi với phận 缘分 lại có nghĩa sự hài hòa, tế nhị, vẻ hấp dẫn tự nhiên. Chữ duyên mà chúng ta thường dùng mang nghĩa này – nghĩa Trời cho sao được vậy, cái duyên nó nằm ngoài ý muốn của mỗi người. Ý khuyên nhủ con người hãy cam phận.
* *
*
Thôn nữ đồng bằng Bắc bộ. (ảnh: Lê Hiếu)
Phật giáo, cụ thể là Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói về duyên lại khác, rất khác: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên/Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền (Bản dịch của Tâm Thường Định: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền).
Bài thơ thiền này ai cũng biết, xin không diễn giải. Chỉ xin lưu ý, chữ duyên nhà Phật là nói về nhân quả, gieo nhân nào gặt quả ấy. Thủ nghiêm lăng kinh có giải thích kỹ: Phật nói: “Mặt trời không phải lửa, nếu là lửa nó đã tự cháy. Gương (thấu kính) không phải lửa, vì gương không tự cháy bao giờ. Bùi nhùi không tự cháy, càng không phải lửa. Nhưng khi dùng thấu kính soi Mặt trời, đưa bùi nhùi gần mặt kính, lửa sẽ sinh ra và bùi nhùi bốc cháy. Rồi gọi Mặt trời, thấu kính, bùi nhùi để cạnh nhau như thế là cơ duyên, duyên đến; chúng là nhân mà lửa là quả.
Từ khi Phật giáo vào Việt Nam, người mình dân gian theo triết lý nhà Phật, quan lại triều đình theo đạo Nho trong quan niệm về duyên. Hay nói cách khác, chữ duyên nhà Phật hợp tính cách hồn nhiên của nông phu thôn nữ hơn. Câu thơ trong bài “Mời trầu” của bà Hồ Xuân Hương là nói giúp họ một khát vọng: Có phải duyên nhau thì thắm lại/Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Nhưng chữ duyên của nhà Phật cũng chưa hẳn là trùng khít với quan niệm về duyên của nhân gian người Việt. Vì như trên Phật Hoàng dạy: Đói thì ăn, buồn ngủ cứ ngủ thì ai mà dám theo? Theo, con gái liền bị quy cho tội “vô duyên” (chỉ biết có ăn rồi ngủ lấy nấm), con trai là tội lười (chảy thây, ngữ ấy thì rồi ăn hết cả phần vợ phần con) cũng là một dạng vô duyên.
Là bởi chữ duyên còn bị quy chiếu bởi tập tục, tập quán làng quê và tùy gia cảnh. Trong mùa nông nhàn, những trưa nắng nôi, thiếu nữ có thể ngủ ngày, nhưng phải chọn nơi kín đáo, không ai nhìn thấy thì không bị coi là hư thân. Còn ví dụ nhà nuôi tằm, cả làng thấy mẹ bận rộn hái dâu mà không thấy con gái đâu, thì rồi một đồn mười, cả làng sẽ biết ngay rằng con gái nhà ấy hư. Tập tục có cái hay là buộc con người phải nỗ lực sao cho “giống” mọi người, nghĩa là chăm làm, ngoan ngoãn, kín đáo không liếc mắt gợi tình, không lêu lổng chơi bời thì tức là cô/cậu đã “bổ sung” duyên cho mình vậy.
Làn điệu chèo có khúc hát “Duyên phận phải chiều”, là nói về cái chiều phải, cái nhẽ phải mình theo, thuận theo thói tục thì được gọi là có duyên. Ở đây, duyên còn là cái giá trị của con người.
* *
*
Nhưng Phật Hoàng cũng dạy tùy duyên. Thời bây giờ được khuyến khích tự do yêu đương, mà chớ tự do thổ lộ để bị coi là vô duyên đấy. Phải lòng ai, thấy họ quá lành (không biết tán tỉnh) hãy cứ tự đến, miễn là phải kín đáo, đó là một cách thúc đẩy cơ duyên để anh chàng hay cô nàng có cơ hội – tùy. Thậm chí chỉ cần khen anh ấy/ cô ấy hiền với một người lớn có uy tìn nào đấy. Họ sẽ có cách truyền tải thông tin đến nơi cần đến. Còn lại là tùy duyên.
Bạn có để ý không, làng nào đó con gái rất đắt chồng, con trai lớn rất dễ kiếm vợ; còn làng nọ thì ngược lại? Xưa có câu: “Toét mắt là tại giếng đình/ Cả làng toét mắt chứ mình em đâu?”. Hay có câu: “Bất giao XQ hữu, bất kén XY thê” là nói về cái làng XY phụ nữ thường đi buôn chuyến xa, dễ hư thân khi thoát khỏi tầm quan sát/quy chiếu của tập tục làng; còn đàn ông ở làng XQ thì cờ bạc có tiếng, cờ bạc thì sinh điêu trá, xảo thuật không nên kết bạn. Như thế, làng với những thuần phong mỹ tục sẽ tạo nên cái duyên quê.
Một cái duyên cá nhân đã khó, cái duyên của làng lại càng khó hơn. Ở đây tập tục, tập quán sinh hoạt lành mạnh sẽ góp phần tạo nên cái duyên chung. Đến một làng quê lạ, ta thấy mái đình ẩn dưới bóng cây đa tươi tốt, đã thấy gần gũi; lại thấy đường sá rộng rãi sạch sẽ, trường học khang trang thì thấy đã bảy tám phần quý trọng rồi; đến khi thấy người làng, già thì mực thước thung dung, trẻ thì niềm nở lễ phép, con gái thùy mị nết na thì mười phần đã là cả mười phần ưng ý. Kẻ lần đầu đến thăm nhà người yêu, nhà đầu tư đi tìm cơ hội làm ăn đều rất nhanh chóng đi đến một quyết định. Đây chính là đất lành cho chim đậu. Đó là duyên quê vậy.
* *
*
Vài chục năm trước, chúng tôi muốn có một bức ảnh thôn nữ đẹp làm bìa cho số báo Tết. Bấy giờ nông thôn đang bị đô thị hóa, nhà ống một tầng nóng như trong chảo lửa, lại bị cái nạn bê tông hóa phụ họa thêm; con trai con gái làng đều đi “làm ăn xa” cả, còn ai ở làng thì cũng quần hoa áo bó xanh xanh đỏ đỏ đều là hàng Tàu biên mậu. Chúng tôi ngao ngán trước một tập quán “làng tôi xanh bóng tre, rộn ràng tiếng chuông chùa” bị phá vỡ không thương tiếc mà nhân danh đổi mới. Sau phải về Hà Nam, đến nhà người quen nhờ vả mà dàn dựng lấy bức ảnh cô gái mặc áo nâu non ngồi tựa cửa bức bàn, bên cạnh có cây đèn hoa kỳ cũng cũ như màu gỗ cũ.
Vâng, cái duyên của một người là công lao sinh thành dưỡng dục của cả nhà, cái duyên của một làng lại càng là một nỗ lực của cả làng. Và khi mà con cái có duyên, làng xóm có duyên rồi thì cả làng nhà nhà đều hạnh phúc, người người đều hạnh phúc. |
Tôi nghe nói, thời công nghiệp hóa trước 1945, khi Nguyễn Bính viết về chân quê, thì cái chân quê thật yếm thắm quai thao cái tơ hồng vấn vít chỉ điều xe săn cũng đã không còn. Những gì hiện ra trong thơ Nguyễn Bính chỉ là hồn cốt nó mà thôi. Vâng thì đành một nhẽ vật đổi sao dời, đến tập tục mà cái gì hủ tục cũng phải bỏ đi nữa là cung cách sinh hoạt của cả một cộng đồng nói chung là nghèo nàn lạc hậu. Nhưng phá bỏ cái duyên xanh mát hiền hòa của làng quê muôn đời mà thay bằng cái kệch cỡm của đô thị thải ra thì tức là bỏ cái duyên mà đi tìm cái vô duyên vậy.
Phật Hoàng dạy: Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Ở đây, Trong nhà có báu tức là làng xưa đã có duyên. Đã có duyên, rồi bỏ, tìm cái khác thì dễ gặp cái vô duyên lắm. Oái oăm hơn, là nhà tầng nhà ống cứ vay mượn mà xây cho nó giống phố, cho bằng như mọi người; nhưng việc làm không có, nhà vài sào ruộng, mỗi vụ chỉ nhoáng cái là hết việc. Lại phải bỏ nhà ra thành phố kiếm việc làm, vợ đi đằng vợ, chồng theo lối chồng; nhiều ngôi nhà xây bỏ hoang, góp thêm vào cái vô duyên một vẻ hang hoang nhức nhối.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.