Ế hơn hai triệu tấn lúa hè thu

Thứ sáu, ngày 02/07/2010 08:13 AM (GMT+7)
(NTNN) - Tại thời điểm này, ước tính các tỉnh vùng ĐBSCL đang có hơn 2 triệu tấn lúa chủ yếu là lúa vụ hè thu đang không tiêu thụ được.
Bình luận 0
 img
Nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL đang đứng ngồi không yên vì lúa hè thu không tiêu thụ được.

“Hết cực rồi… khổ”!

Ngày 1-7, tiếp xúc với NTNN, ông Nguyễn Văn Châu (53 tuổi), ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), cho biết: Cả đời ông bám cây lúa với hơn 3ha đất ruộng từ “ông cha” để lại. Hồi trước, làm lúa mùa (tức mỗi năm 1 vụ) thì không thấy lúa ế. Đến khi làm lúa 2 vụ/năm, nông dân có cái ăn, thậm chí lúa có thể trữ bồ, muốn bán lúc nào cũng có mối lái mua. Gần chục năm nay, sau khi cải tạo thủy lợi, làm lúa 3 vụ, năm nào cứ vào vụ hè thu là y như rằng gia đình ông và nông dân trong xóm đứng ngồi không yên…

Ông nói: “Lúa có năm trúng năm thất, có lỗ vì mùa vụ mình cũng chịu. Đằng này giá lúa hè thu năm nào cũng xuống thấp. Mấy năm nay chỉ toàn lấy đồng lời của vụ đông xuân bù lại cho hè thu, hiếm thấy khi nào có lãi…”.

NTNN số 130/2010 đã thông tin việc Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu (tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa) để giải cứu tình trạng lúa tồn đọng và giá bắt đầu xuống thấp hiện nay. Trước đó, tháng 3-2010 vừa qua, Chính phủ cũng đã chỉ đạo triển khai đợt thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa đông xuân 2009-2010. Có 30 doanh nghiệp được VFA giao chỉ tiêu thu mua và đã hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều phản ánh tình trạng khó khăn khi triển khai thu mua vì "vướng" đầu ra xuất khẩu, áp lực tồn kho, chịu lãi suất ngân hàng, giá gạo thế giới liên tục giảm mạnh… gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Út - nông dân nhiều năm nay canh tác hơn 2ha lúa ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), cho hay: “Tui đang chạy đôn chạy đáo, kêu khan cổ, chấp nhận giá lỗ mà vẫn không bán được một hột. Lúa để trong nhà tới nỗi nảy mầm…”.

Nhiều nông dân cũng ở Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang (những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước hiện nay) cũng liên tiếp thua lỗ nặng nề vì vụ hè thu. Chưa có thống kê chính thức về mức độ thiệt hại của vụ lúa này, nhưng chỉ nhìn vào sự chênh lệch quá lớn giữa giá thành và giá bán do chính UBND các tỉnh này đưa ra, đủ thấy nông dân đang chịu bất lợi thế nào khi “đương đầu” với lúa vụ 3 trong suốt nhiều năm qua.

Cụ thể, UBND tỉnh An Giang tính toán: Giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm nay ước tính đã lên tới 3.800 đồng/kg. Trong khi giá thu mua của thương lái tại nhà dân hiện tại chỉ dao động ở mức 3.500 - 3.800 đồng/kg; tức nông dân đang chịu bán giá lỗ, bỏ hết cả công cán và 3 tháng ròng rã phơi lưng ngoài đồng. Thậm chí nhiều nơi, nông dân hiện chỉ bán được giá 2.800 đồng/kg lúa (mua tại ruộng) mà vẫn rất khó bán(!). Nhiều nông dân An Giang nói với phóng viên NTNN rằng, làm lúa hè thu là rơi vào cái vòng luẩn quẩn: “Hết cực rồi đến… khổ”.

Khắp nơi “nóng” với lúa hè thu…

Theo Bộ NN&PTNT thống kê, vụ hè thu 2010 toàn Nam bộ xuống giống hơn 1,73 triệu ha; riêng toàn vùng ĐBSCL là trên 1,5 triệu ha. Trong đó, ước tính đã có hơn 40% diện tích vào thu hoạch rộ, năng suất bình quân hiện tại đạt từ 4,8 – 5 tấn/ha.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh có hơn 160.000ha xuống giống và hơn 40% diện tích đã vào thu hoạch. Năng suất bình quân đạt khoảng 4,8 tấn/ha, giảm mạnh so năm trước do dịch bệnh, hạn hán và nhiễm mặn… Nhưng, dù nguồn cung giảm mạnh như vậy mà giá lúa vẫn… tuột thê thảm và tình hình tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Hiện tại các thương lái đang thu mua rất cầm chừng, với giá mua tại nhà dân từ 2.800 - 3.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều nơi thương lái neo ghe, không tiếp tục thu mua.

Tại Đồng Tháp, một trong những tỉnh xuống giống hè thu lớn nhất cả nước với ước tính trên 197.000ha, hiện đã có trên 90.000ha vào thu hoạch rộ trong khi tình hình tiêu thụ gần như bế tắc hoàn toàn. Một cán bộ ngành NN&PTNT tỉnh này lo lắng: “Mới cách đây 2 tuần, giá lúa mấp mé ngưỡng 4.000 đồng/kg, nông dân còn có đồng ra đồng vào. Nay tự dưng giá xuống dưới 3.300 đồng/kg, mà lại không dễ tìm người mua… Không khéo nông dân lại rơi vào cảnh lúa chất đầy nhà, đầy đường như hồi 2008!”.

Chúng tôi ghi nhận được tình trạng tại các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Lấp Vò (Đồng Tháp), lúa đông xuân còn tồn một lượng khá lớn trong khi lúa hè thu lại bước vào thu hoạch rộ. Vì vậy, mặt bằng giá nói chung hạ rất mạnh. Thay vì mua lúa hè thu, các thương lái sẽ mua lúa đông xuân thường có chất lượng cao hơn, dễ bán ra hơn. Một số thương lái tỏ ra dè dặt khi trả lời vấn đề “ngưng thu mua” đồng loạt này.

Anh Nguyễn Văn Hùng - thương lái chuyên thu mua ở địa bàn Cần Thơ, Kiên Giang, tiết lộ: “Năm nào cũng vậy hết… Mấy ông nhà máy chê lúa hè thu chất lượng thấp, không thể xuất khẩu. Chúng tôi mua để bán cho mấy ổng, mà mấy ổng không đặt hàng thì phải ngừng thôi!”.

Tại TP.Cần Thơ, trung tâm giao dịch lúa gạo lớn của khu vực, tình hình tiêu thụ cũng gần như chững lại trong khi hơn 84.000ha đang bước vào thu hoạch dứt điểm trong thời gian không xa. Hiện chỉ còn số ít DN lớn trên địa bàn duy trì việc thu mua lúa nhưng với số lượng “vừa phải”. Trong đó, từ đầu tuần đến nay, Công ty Lương thực Mekong đã thu mua hơn 2.000 tấn lúa; còn Công ty CP Gentraco cũng thu mua khoảng 600 tấn/ngày.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh - Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ, cho biết: “Tình hình tiêu thụ hiện rất khó khăn. Chất lượng lúa vụ này nhìn chung rất thấp nên các DN ngại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu… Chúng tôi đang chỉ đạo ngành trực thuộc và khuyến cáo các địa phương theo dõi tình hình thu hoạch và tiêu thụ trong dân, để báo cáo kịp thời UBND thành phố có biện pháp chỉ đạo kịp thời!”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL:

Ước tính toàn vùng ĐBSCL hiện còn tồn hơn 2 triệu tấn lúa, kể cả số chuyển sang từ vụ đông xuân chưa tiêu thụ được. Đến cuối tháng 7 tới, khi lúa hè thu thu hoạch cơ bản hoàn tất với tổng sản lượng không dưới 4 triệu tấn, lượng lúa trong dân lúc đó sẽ rất lớn mà chủ yếu là lúa chất lượng thấp, rất khó bán. Đây sẽ là áp lực lớn, tiếp tục làm giá lúa giảm mạnh, gây thiệt hại cho nông dân.

Ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:

Giá thành lúa vụ hè thu luôn cao hơn từ 20 – 30% so với vụ đông xuân. Trong khi đó, lúa lại dễ bị nhiễm sâu bệnh, thời tiết bất lợi, chất lượng lúa thường không cao, rất khó bán. Nếu các DN duy trì mua ở mức 4.000 đồng/kg, nông dân đã không có lời, giá giảm thấp hơn nữa thì nông dân chắc chắn sẽ lỗ nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem