Em và Trịnh: Chưa đủ "Trịnh Công Sơn"

Đào Hằng Thứ sáu, ngày 10/06/2022 14:26 PM (GMT+7)
Sau tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn là điều ấn tượng nhất còn đọng lại.
Bình luận 0

Hai bộ phim đang ra mắt của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh kể về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về cuộc đời và những nàng thơ của ông giữa thời cuộc rối ren biến đổi. Cũng như nhà sản xuất phim đã chỉ ra đây không phải phim tài liệu nên tôi sẽ gọi nhân vật Trịnh Công Sơn trong phim là "Trịnh".

Trịnh Công Sơn có thời lượng 95 phút, kể về quãng thời gian trẻ tuổi của Trịnh. Đó là các cung bậc cảm xúc của một thanh niên đa cảm đa tình, là mưa Huế và nụ cười của những người con gái ngấm vào tâm hồn nghệ sĩ, rồi nảy mầm thành giai điệu lời hát. Cũng có những suy tư vụn vỡ của một người trẻ thời chiến, cuối cùng dùng âm nhạc tự dẫn lối cho mình.

img

Trịnh Công Sơn thời trẻ do Avin Lu thủ vai

Các nàng thơ của Trịnh đều đẹp vô cùng. Mà Trịnh là người yêu cái đẹp, mỗi người con gái đều làm ông say đắm, đều khiến trái tim ông lạc nhịp và những vần điệu của ông da diết. Các tuyến truyện trong phim được sắp xếp đan xen giữa tình yêu và thời cuộc. Âm nhạc lồng ghép tự viết tiếp câu chuyện, không cần nhân vật phải nói quá nhiều. Dưới ống kính của nhà làm phim, Huế và xứ B'Lao nên thơ như cõi mộng, như một thế giới khác buồn và đẹp đến nao lòng.

Tuy nhiên, có lúc hành động của nhân vật không thật hợp lý, cảm xúc đứt quãng và nhảy cóc. Dường như phim thiếu đi mất đâu đó vài cảnh để truyền tải cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật đến khán giả một cách sâu lắng, chín muồi hơn sau một bước ngoặt. Việc lồng ghép cảnh chiến tranh, tư liệu chưa đủ khéo léo đã làm một số đoạn đột ngột trở thành phim tài liệu, lạc lõng với không khí phim trước đó. Kết phim diễn ra hơi vội vã, cảm xúc bị treo lửng lơ. Sẽ có người cảm giác nuối tiếc, muốn nối mạch cảm xúc này bằng cách xem Em và Trịnh - bản phim dài hơn. Nhưng cũng sẽ có người chỉ xem nó như một cái kết đôi phần hụt hơi.

Về diễn xuất, dàn diễn viên trẻ nhập vai khá thuyết phục, nhất là Bùi Lan Hương vai Khánh Ly. Nếu những diễn viên khác cố gắng hòa mình vào không khí của thập niên 50, 60 thế kỷ trước, trong vai một chàng nhạc sĩ, một cô gái trẻ ngây thơ, một nhà thơ yêu nước... Bùi Lan Hương như đã ở đó từ trước rồi. Trong phim, Trịnh nói đến "buồn thản nhiên" là nỗi buồn cùng cực, bởi còn gì buồn hơn khi người ta thản nhiên trước nỗi buồn. Bùi Lan Hương có cái buồn thản nhiên ấy, ở trên khuôn mặt, trong giọng hát, trong cả sự hiện diện của mình, kể cả khi cô cười.

img

Bùi Lan Hương vào vai Khánh Ly, danh ca với giọng hát liêu trai làm say đắm bao thế hệ người Việt.

Dao Ánh của Hoàng Hà thì gây ấn tượng về một cô gái trẻ ngây thơ, thẳng thắn trong tình yêu. Nụ cười của cô đẹp như một mối tình đầu không thể quên, đủ thuyết phục người xem tin rằng bóng hồng khiến Trịnh Công Sơn viết hơn ba trăm lá thư tình cũng sở hữu nụ cười rạng rỡ như hoa hướng dương giống y vậy.

img

Hoàng Hà trong vai Dao Ánh, một mối tình day dứt của Trịnh Công Sơn.

Bên cạnh các nàng thơ, Avin Lu cũng xứng đáng nhận được lời khen. Dù vậy vẫn chưa đủ. Trịnh của phim truyền tải được một phần lãng mạn đa sầu của Trịnh Công Sơn. Nhưng thay vì một nghệ sĩ già dặn trước tuổi, một cõi hồn đầy triết lý lặng lẽ giữa buổi rối ren, Trịnh giống một chàng thư sinh ngơ ngác, dễ yêu, dễ bối rối và mơ mộng hơn. Cách Trịnh đặt bút viết những lời ca tuyệt phẩm của Trịnh Công Sơn không đủ sức nặng. Đây không chỉ là vấn đề ngoại hình diễn viên, mà chủ yếu do nhà làm phim không đủ chú trọng vào phần "lời" của nhạc Trịnh Công Sơn. Giai điệu vẫn vậy, nhưng những câu chữ dằn vặt triết lý đó có thể thực sự được viết ra như vậy sao? 

Dài đến hơn 40 phút so với Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh đề cập cả đến quãng thời gian tuổi trung niên của cố nhạc sĩ. Ngoài Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh và Khánh Ly, bản phim này còn xuất hiện thêm Michiko, nàng thơ người Nhật. NSƯT Trần Lực – người vào vai cố nhạc sĩ ở tuổi trung niên có nhiều đất diễn hơn.

img

Nghệ sĩ Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh"

Về ngoại hình, dáng vẻ của ông có chút gì đó “Trịnh Công Sơn”. Đáng tiếc là trên màn ảnh, ông chưa thể hiện được một Trịnh Công Sơn từng trải, nội tâm phức tạp, thản nhiên mà day dứt, bình đạm mà dữ dội. Với thời lượng khá dài, phần sau của Em và Trịnh hơi dàn trải, cảm xúc chưa đạt tới điểm rơi để tạo một dấu ấn khó phai.

Dẫu vậy, Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh vẫn là những bộ phim đáng "xem thử” về người nhạc sĩ vĩ đại của nền âm nhạc Việt Nam. Sau tất cả, dù câu chuyện hay diễn xuất có những thiếu sót chưa thể làm hài lòng khán giả, nhưng âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn đủ sức làm rung động mọi trái tim ở bất cứ hoàn cảnh nào. Diễm xưa, Tuổi nào cho em, Ca khúc da vàng... vang lên trong rạp phim trở thành chuyến tàu du hành ngược thời gian về cảm xúc và kỷ niệm cho tất cả những người có mặt.

Trailer phim "Em và Trịnh"

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem