EVN hứa cắt điện ít hơn trước

Thứ bảy, ngày 26/06/2010 09:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cuối tháng Sáu, miền Bắc bắt đầu có mưa, tuy vẫn phải duy trì tiết giảm điện nhưng tỷ lệ sản lượng điện bị tiết giảm trên toàn quốc sẽ ở mức thấp hơn so với nửa đầu tháng Sáu, dự kiến khoảng 5% - 7%.
Bình luận 0
img
Theo EVN, nhu cầu sử dụng điện cuối tháng Sáu sẽ không tăng cao

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Trong tuần cuối tháng Sáu, nhu cầu điện sẽ không tăng cao và có xu hướng giảm hơn so với cuối tháng Năm và nửa đầu tháng Sáu do thời tiết đã bớt nóng hơn, miền Nam đã chính thức bước vào mùa mưa, đợt nắng nóng kỷ lục 60 năm, dữ dội, kéo dài gần 10 ngày liên tục ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã chấm dứt.

Cắt ít điện hơn trước

Theo EVN, hầu hết các sự cố của các tổ máy nhiệt điện than mới ở miền Bắc đã được khắc phục và đưa vào vận hành trở lại, tình hình nước về các nhà máy thủy điện tuy chưa có chuyển biến đáng kể nhưng dự báo sẽ được cải thiện phần nào vì ở miền Bắc đã bắt đầu có mưa, trong khi nhu cầu điện không tăng, thậm chí có thể còn giảm so với nửa đầu tháng Sáu như đã nói ở trên.

Vì vậy trong tuần cuối tháng Sáu, việc đáp ứng nhu cầu điện của toàn hệ thống có thể đạt mức cao hơn so với các tuần trước đó, dẫn đến việc tuy vẫn phải duy trì tiết giảm điện nhưng tỷ lệ sản lượng điện bị tiết giảm trên toàn quốc sẽ ở mức thấp hơn so với nửa đầu tháng Sáu, dự kiến khoảng 5% - 7%.

Hiện nay, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt khoảng 19.000 MW, trong đó công suất khả dụng đạt khoảng 16.000 – 16.500 MW, nhu cầu phụ tải cực đại tháng 5 và nửa đầu tháng 6 ở mức khoảng 15.000 MW. Như vậy, về lý thuyết, hệ thống điện có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.

Theo EVN, thời gian vừa qua, do trong cơ cấu nguồn điện, thủy điện chiếm 34% tổng công suất (6.500 MW), đồng thời mùa khô 2010 do hạn hán nặng kéo dài, nguồn nước về các hồ thuỷ điện chỉ bằng khoảng 50-60% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lại phải xả nước phục vụ chống hạn cho sản xuất nông nghiệp nên sản lượng thủy điện bị sụt giảm nhiều so với cùng kỳ (chỉ còn bằng khoảng 50% so với trung bình nhiều năm).

Từ đó dẫn đến làm giảm đáng kể công suất khả dụng và điện năng có thể phát của hệ thống điện, ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Điện sẽ bớt khó hơn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, trong tháng 5 và tới ngày 20 tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động tối đa công suất toàn bộ các nguồn điện trong điều kiện kỹ thuật cho phép.

Trong 20 ngày đầu tháng 6 tổng sản lượng điện huy động của toàn hệ thống đạt 5,518 tỷ kWh, đạt trung bình 275,9 triệu kWh/ngày (tăng 8,6% so với mức bình quân 254 triệu kWh/ngày của cùng kỳ năm 2009), trong đó thủy điện là 1,093 tỷ kWh, nhiệt điện than là 0,906 tỷ kWh, tua bin khí là 2,534 tỷ kWh, tua bin khí chạy dầu DO là 142 triệu kWh, nhiệt điện dầu FO là 381 triệu kWh, nhập khẩu Trung Quốc là 325 triệu kWh. Theo tính toán, sản lượng trên mới đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu (khoảng 305-310 triệu kWh/ngày).

Để đảm bảo cung cấp điện ở mức cao nhất có thể cho sản xuất và hạn chế tối đa tiết giảm điện cho sinh hoạt của nhân dân, trong thời gian tới EVN tiếp tục nghiêm túc thực hiện các biện pháp nâng cao cung ứng điện tại Chỉ thị số 17/CT-BCT ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương, theo dõi sát khả năng phát điện của từng nhà máy điện trong hệ thống, đảm bảo huy động tối đa công suất trong khả năng có thể và đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát thực hiện sản xuất và cung cấp điện.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem