F0 điều trị tại nhà (bài cuối): Hiểm họa từ các toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 27/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Các chuyên gia y tế khuyến cáo F0 tại nhà không nên lạm dụng thuốc nếu không có chỉ định. Thực tế, có nhiều trường hợp dùng sai thuốc, quá liều thuốc gây ngộ độc, điển hình là thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc kháng đông, kháng viêm chứa corticoid...
Bình luận 0
F0 tại nhà: Không sử dụng tùy tiện các toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội (bài cuối) - Ảnh 1.

Không khó để tìm được các đơn thuốc cho F0 trên mạng. Ảnh: P.V

Nguy cơ từ kháng sinh, kháng viêm

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, việc F0 tự điều trị tại nhà và tự ý mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể vừa lãng phí vừa gây ra các tác dụng phụ khiến bệnh trở nặng hơn.

"Trước hết, việc mua thuốc theo các đơn trên mạng có thể gây lãng phí. Người nhiễm Covid-19 có thể chưa cần phải dùng đến thuốc kháng sinh, kháng viêm nhưng lại vô tình sử dụng, có thể gây tác dụng phụ. Trường hợp sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng lúc cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe", bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Khanh, đối với F0 điều trị tại nhà cần lắng nghe cơ thể mình, khi phát hiện có những triệu chứng nào thì chỉ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng đó, tránh việc dùng theo các đơn thuốc của người khác chia sẻ lại.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết qua thời gian tư vấn điều trị cho F0 tại nhà, bác sĩ nhận thấy việc sử dụng tùy tiện các toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội như thuốc trị giun, thuốc kháng viêm ibuprofen, thuốc trị sốt rét, tynelol... có thể gây hại đến sức khỏe của người bệnh. Ví dụ thuốc kháng viêm có thể gây loét bao tử, lạm dụng tynelol có thể gây suy gan... Hiện vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ hay phê duyệt về những loại thuốc này trong điều trị Covid-19.

Đơn cử như Azi 500 (còn gọi Azithromycin 500) là thuốc kháng sinh thuộc nhóm macrolid có tác dụng điều trị nhiễm trùng hiệu quả khi nhiễm trùng đó do vi khuẩn gây ra.

Kháng sinh này đa số không trị được nhiễm trùng do virus (siêu vi) hoặc do ký sinh trùng và hoàn toàn không phải là thuốc điều trị Covid-19, bởi tác nhân gây Covid-19 là siêu vi SARS-CoV-2.

Ngoài Azi 500 còn có Medrol, một loại thuốc chống viêm corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch.

Theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid không được phép dùng cho người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Và việc chỉ định thuốc phải do bác sĩ quyết định sau khi đánh giá cẩn thận tình trạng của người bệnh nhưng thực tế lại có nhiều người đã tin dùng khi vừa mắc Covid-19.

"Khi cơ thể đang sốt cao, nếu đưa corticoid vào sẽ gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể. Việc tự dùng thuốc corticoid ngay khi nhiễm dường như không có lợi, chỉ gây hại, thậm chí có thể làm bệnh nặng hơn" - PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) khuyến cáo.

F0 tại nhà: Không sử dụng tùy tiện các toa thuốc lan truyền trên mạng xã hội (bài cuối) - Ảnh 3.

Bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng đang được cấp cứu. Ảnh: BVCC

Ai quản lý chất lượng toa thuốc?

Các bác sĩ cho biết, hiện nay đang có lỗ hổng trong việc kê toa, thường rơi phổ biến vào các phòng khám tư nhân, bác sĩ phòng mạch hoặc một số cơ sở y tế tại địa phương. Có nhiều đơn thuốc "trời ơi" chỉ ghi vài loại thuốc không có chữ ký của bác sĩ, hoặc người bệnh chỉ truyền miệng nhau nhưng các nhà thuốc vẫn bán.

Ngoài ra có một số loại bệnh lý khi kê toa phải hết sức thận trọng nhưng để chữa bệnh theo kiểu "đánh bao vây", một số bác sĩ vẫn tùy tiện kê các loại thuốc như kháng siêu vi, corticoid, kháng đông và kháng sinh... Ban đầu cách này có thể làm giảm triệu chứng nhưng lại kéo dài thời gian bị bệnh, thậm chí gây viêm gan, xuất huyết tiêu hóa.

Vậy ai quản lý chất lượng toa thuốc? Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, ở nước ngoài việc bác sĩ kê toa được giám sát rất chặt, đều có phần mềm liên thông từ cơ sở khám chữa bệnh đến các nhà thuốc và cơ quan quản lý. Còn ở Việt Nam tuy có nhiều lần đề cập việc liên thông hệ thống quản lý nhà thuốc nhưng việc này chưa được thực hành quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy, tạo điều kiện cho bác sĩ dễ dàng thực hiện kê toa với các mục đích cá nhân về kinh tế thay vì đề cao y đức nghề nghiệp.

Mới đây để kiểm soát tình hình này, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc trên địa bàn.

Theo đó, Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc để đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc.

Sở Y tế yêu cầu các nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc đúng cách. Thuốc bán phải có nguồn gốc hợp pháp, có hóa đơn chứng từ hợp lệ, kinh doanh đúng phạm vi được cấp phép. Thuốc bán theo dạng kê đơn phải có đơn thuốc hợp lệ, không đầu cơ tích trữ, bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem