F5 chuyển thành F0 mắc Covid-19, chuyên gia dịch tễ nói gì?
F5 chuyển thành F0, chuyên gia dịch tễ nói gì?
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 09/06/2021 11:23 AM (GMT+7)
Chuỗi lây nhiễm Covid-19 từ nhóm truyền giáo Phục Hưng trên địa bàn TP.HCM đã lây đến vòng 5, đã có F5 trở thành F0, điều chưa từng xảy ra ở các đợt dịch trước đây.
Nếu F5 thành F0 ở trong khu phong tỏa, cách ly thì không đáng lo
Sáng 8/6, trong số các ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố tại TP.HCM có một đối tượng là F5 liên quan đến chuỗi lây nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly từ trước.
Các đợt dịch trước, virus SARS-CoV-2 chỉ lây lan đến vòng 2 (F2) nhưng đợt này, khi đến đối tượng F5 dương tính thì người dân rất lo lắng, hoang mang vì tốc độ lây lan quá nhanh.
Trước tình huống này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phân tích: "Trường hợp Covid-19 lây nhiễm đến vòng 5 mới phát hiện ổ dịch muộn, kéo theo sự truy vết xa hơn so với sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hơn nữa, các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh 2 ngày đã có thể lây bệnh. Vì vậy, F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 là điều có thể xảy ra"
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng nhận định, khi nói đến đối tượng F5 của Covid-19 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19 và tìm các mối liên hệ, tiếp xúc bằng cách truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Khi F5 dương tính thì F4, F3, F2, F1 đã dương tính do tiếp xúc với một ca mắc Covid-19 (F0) trước đó.
Nếu F5 thành F0 ở trong khu phong tỏa, cách ly thì không đáng lo. Việc cần làm lúc này là những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, những người đã đến khu phong tỏa nên tự đánh giá thời gian mình đến có nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không, vì lây nhiễm đến F5 thì sự hiện diện của virus đã đủ lâu. Để chặn đứng sự lây nhiễm, người dân nên khai báo y tế trung thực.
Bác sĩ Khanh khuyên người dân cần bình tĩnh thực hiện hướng dẫn phòng, chống Covid-19 của Bộ Y tế, không nên suy diễn, sợ hãi đi lại lung tung vì như vậy sẽ làm cho công tác phòng dịch trở nên phức tạp hơn.
Theo bác sĩ Khanh, mỗi người dân nên nhớ và hệ thống lịch sử đi, đến, tiếp xúc của chính mình càng cụ thể càng tốt. Từ đó, sẽ tự nhận thấy thời điểm nào mình đến nơi nguy cơ mà vô tình thực hiện nguyên tắc 5K chưa đúng, chưa đủ. Nếu cần thiết, mỗi người (nhất là người thuộc trong chuỗi cần cách ly) hãy tự cách ly, theo dõi sức khỏe bản thân, báo với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Nếu quá lo lắng về dịch bệnh, hay có ít nhất 2 người ở cùng một nhà mắc bệnh lý về hô hấp, nên đến cơ sở y tế khám bệnh, thực hiện test nhanh Covid-19 khi cần thiết, mỗi người dân phải cảnh giác, nâng cao biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.