Chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 6 của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton cũng là chuyến công du nước ngoài dài nhất trong thời gian 21 tháng nhậm chức.
Không kể cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara ngay trước khi đến Việt Nam, bà Clinton sẽ tới Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Papua New Guinea, New Zealand, Australia và American Samoa. Một số nơi trong số đó là điểm đến mà bà Clinton dự định thăm lần trước nhưng phải huỷ bỏ vì phải trở về Mỹ sau thảm hoạ động đất ở Haiti.
Chỉ như thế thôi cũng đã đủ thấy chính phủ hiện tại ở Mỹ quan tâm đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương hơn rất nhiều so với ở thời chính quyền tiền nhiệm. Coi trọng khu vực và tranh thủ đối tác là nội dung chủ đạo trong chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực.
Đương nhiên, không phải nước nào trong khu vực cũng có mối quan hệ vừa là đồng minh vừa là đối tác chiến lược như Nhật Bản hay Hàn Quốc, cũng chẳng phải tất cả đều chiếm vị trí như Trung Quốc trong chính sách của Mỹ. Nhưng điều có thể thấy được rõ là Mỹ chủ định thúc đẩy quan hệ với nhiều đối tác trong khu vực như có thể được, lưu ý nhiều hơn đến những mối quan tâm chung của các nước hoặc nhóm nước trong khu vực.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ không bỏ qua hoặc coi nhẹ bất cứ trắc trở nào tồn tại từ lâu nay, nhưng vẫn duy trì thái độ hợp tác xây dựng. Ẩn hiện đằng sau chính sách này là chủ trương vừa không đẩy Trung Quốc ngày càng ra xa hơn và hạn chế đối đầu trực diện, lại vừa để ngỏ khả năng và cơ hội tập hợp lực lượng mới làm đối trọng với Trung Quốc trong trường hợp cần thiết.
Huệ Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.