Hầu hết người Mỹ nghĩ rằng, Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, một phần do cách công ty tự điều hành, nhưng phần lớn là do cách một số người sử dụng nền tảng truyền thông xã hội, theo một cuộc thăm dò mới từ hãng thông tấn CNN cho hay.
Cụ thể, trong cuộc khảo sát của hãng thông tấn CNN bắt tay cùng SSRS- công ty khảo sát và nghiên cứu thị trường thực hiện trực tuyến từ ngày 1-4/11/2021, với 1.004 người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành được lựa chọn ngẫu nhiên trên khắp cả nước, với biên độ sai số là +/- 4,0 phần trăm với 95 phần trăm mức độ tin cậy. Kết quả cho thấy, có khoảng 3/4 người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, mạng xã hội Facebook đang khiến xã hội nước này xấu đi.
Theo đó, có 76% người tham gia khảo sát cho rằng, Facebook khiến xã hội Mỹ trở nên tồi tệ hơn và chỉ có 11% tin vào điều ngược lại, trong khi 13% còn lại không cho rằng, Facebook có tác động theo 2 chiều hướng kể trên.
Nếu xét riêng trong nhóm đa số tin rằng Facebook khiến xã hội Mỹ xấu đi, có 55% cho rằng lỗi chủ yếu là do cách sử dụng Facebook của người dùng chưa đúng, 45% cho rằng bản thân Facebook chưa được vận hành đúng cách.
Bên cạnh đó, kết quả cho thấy trong số những người Mỹ sử dụng Facebook ít nhất vài lần một tháng, 54% đa số nói rằng, Facebook đã đề xuất những bài đăng mà họ thấy phản cảm. Còn 65% người dùng Facebook thường xuyên dưới 35 tuổi nói rằng, họ đã xem nội dung phản cảm do trang web Facebook đề xuất không lý do.
Chia sẻ thêm về hạng mục này, phóng viên CNN Donie O'Sullivan nhận định rằng: "Mặc dù Facebook luôn nói tập trung mạnh vào dữ liệu nội bộ của chính họ, tăng cường bảo vệ các thuật toán của họ và cách nền tảng truyền thông xã hội được vận hành để bảo vệ người dùng, nhưng cuộc thăm dò của chúng tôi cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác, nơi mọi người thường xuyên xem nội dung mà họ không muốn xem, họ không thích".
Hiện tại, Facebook đang phải đối mặt với một làn sóng giám sát mới sau khi bị lộ hồ sơ Facebook Papers- một bộ tài liệu nội bộ làm sáng tỏ văn hóa chứa đầy góc tối của công ty, bao gồm việc tuyên truyền nội dung gây chia rẽ và cuộc đấu tranh để xử lý các sự cố về thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan. Frances Haugen, người tố cáo đã phát hành các tài liệu này đã điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tháng trước đang thúc giục Quốc hội Mỹ tăng cường quy định về nền tảng này. Trong khi đó, vào cuối tháng 10, Facebook thông báo rằng, tên của công ty đã được đổi thành Meta.
Công ty đã tiến hành thay đổi tên trong những ngày gần đây, giờ đây chính thức gọi công ty của mình là "Meta" trong khi vẫn giữ nguyên tên nền tảng Facebook. Cái tên mới này xuất hiện khi gã khổng lồ truyền thông xã hội đang phải đối mặt với bầu không khí chỉ trích dai dẳng từ các nhà lập pháp trong vụ bạo loạn Điện Capitol, khi cáo buộc Facebook là phương tiện truyền thông tin tức, là một thiên đường của thông tin sai lệch về các vấn đề chính trị từ cuộc bầu cử năm 2020 đến đại dịch Covid-19 và cả việc do dự tiêm chủng phòng Covid-19, cùng hàng loạt các vấn đề tương tự đang gây khó chịu cho cộng đồng Facebook trên khắp thế giới.
Đáp lại, các quan chức Facebook đã nhiều lần bảo vệ hình ảnh của công ty và nỗ lực thanh lọc những người tung ra thông tin sai lệch về các vấn đề chính trị ra khỏi nền tảng này, đồng thời bác bỏ cáo buộc từ người tố giác Frances Haugen khi cho rằng các thuật toán của trang này khuyến khích việc lan truyền nội dung gây chia rẽ, thù hận và sai sự thật.
Khảo sát riêng về vấn đề này, kết quả cho thấy có khoảng 53% người được hỏi cho rằng chính phủ liên bang nên tăng cường các biện pháp quản lý Facebook, 11% có câu trả lời ngược lại trong khi 35% cho rằng không nên thay đổi điều gì cả.
Công ty cũng phải đối mặt với những lo ngại riêng biệt về việc sử dụng các dịch vụ của mình, cụ thể là Instagram của thanh niên và thanh thiếu niên. Họ đã đóng cửa kế hoạch ra mắt đề án "Instagram Kids" vào đầu năm nay, trong khi bà Haugen cáo buộc rằng công ty đã che giấu các nghiên cứu nội bộ chứng minh rằng, việc sử dụng nền tảng này có liên quan đến các vấn đề nhận thức, suy nghĩ về điều tiêu cực trên cơ thể ở thanh thiếu niên.
Phóng viên CNN Donie O'Sullivan đã thảo luận về kết quả của cuộc thăm dò trên CNN Newsroom với người dẫn chương trình Erica Hill và Jim Sciutto vào sáng thứ tư ngày 10/11.
Donie O'Sullivan đã giới thiệu kết quả cuộc thăm dò và sau đó người dẫn chương trình Erica Hill và Jim Sciutto đặt ra câu hỏi: "Liệu Facebook có thực sự quan tâm đến việc thăm dò ý kiến và khảo sát như thế này không?" Hill hỏi. "Họ sẽ nhìn vào cái này và nói, ồ, đây có phải một vấn đề?"
Sullivan trả lời rằng, anh ấy tin rằng điều quan trọng là các tổ chức tin tức lớn như CNN phải thực hiện cuộc thăm dò về chủ đề này "Bởi vì Facebook luôn tìm cách biện minh cho việc sử dụng các thuật toán và cách nền tảng của họ được cấu trúc an toàn cho người dùng, nhưng hệ lụy xảy ra ngoài thực tế thì hoàn toàn phản ánh ngược lại".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.