Facebook thừa nhận đang bị điều tra: Từ thoả thuận 5 tỷ đô la

Huỳnh Dũng Chủ nhật, ngày 31/10/2021 08:40 AM (GMT+7)
Facebook thừa nhận với các cổ đông trong tuần này rằng, công ty đang đối mặt với "cuộc điều tra của các Chính phủ" liên quan đến hàng chục ngàn trang tài liệu nội bộ bị rò rỉ bởi cựu nhân viên tố giác Frances Haugen.
Bình luận 0

Facebook thừa nhận đang bị điều tra?

"Ví dụ bắt đầu từ tháng 9, chúng tôi đã trở thành đối tượng của các cuộc điều tra và bị các chính phủ liên quan yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc từ nhân viên cũ", Facebook nêu trong hồ sơ hàng quý gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).

"Chúng liên quan đến thuật toán, quảng cáo và chỉ số người dùng trên nền tảng, cũng như các hoạt động thực thi nội dung, kiểm soát thông tin sai lệch và những hoạt động không mong muốn khác trên nền tảng gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng". Tuy nhiên, nội dung hồ sơ không nêu rõ đây là các cuộc điều tra đã được thực hiện bởi Thượng viện Mỹ và Quốc hội Anh hay là bởi các Chính phủ ở nước ngoài.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các cơ quan quản lý, và sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ để giải đáp vướng mắc", Andy Stone- phát ngôn viên Facebook cho biết trong một tuyên bố.

Facebook cho biết họ đang phải đối mặt với 'các cuộc điều tra của các chính phủ'. Ảnh: @AFP.

Facebook cho biết họ đang phải đối mặt với 'các cuộc điều tra của các chính phủ'. Ảnh: @AFP.

Haugen- người đã điều trần trước Quốc hội Mỹ và xuất hiện tại một phiên điều trần của quốc hội ở London tuần này đã làm khuynh đảo hoạt động của Facebook kể từ khi thành lập vào năm 2004. Thế rồi, cuộc khủng hoảng truyền thông của mạng xã hội này trở thành chủ đề hiện diện khắp nơi trong cuộc sống của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới. 

Cô ấy nói rằng, công ty Facebook đã đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn và bảo mật của người dùng. Haugen cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) với cáo buộc rằng, các giám đốc điều hành của Facebook bao gồm cả Mark Zuckerberg đã đánh lừa các nhà đầu tư, bằng cách trình bày sai các chính sách kiểm duyệt nội dung của công ty và cách các thuật toán mà nền tảng này hoạt động. Haugen cũng cáo buộc công ty đã đóng một vai trò trong việc kích động sự chia rẽ và quảng bá nội dung kích động trước cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1. Cựu nhân viên hy vọng rằng, việc thu thập các tài liệu và phát hành chúng công khai sẽ tạo áp lực dư luận buộc Facebook phải thay đổi.

Kêu gọi ông Zuckerberg từ bỏ vai trò giám đốc điều hành của Facebook

Tiết lộ từ Haugen đã tạo ra sự ủng hộ chính trị ngày càng tăng đối với quy định mới ở Hoa Kỳ và châu Âu, bao gồm một số lời kêu gọi ông Zuckerberg từ bỏ vai trò giám đốc điều hành của Facebook, khi ông luôn tìm cách thoát tội bằng cách đặt Facebook vào thế phòng thủ. Tuy nhiên, sự lấn át đầy rẫy vi phạm này sớm muộn gì cũng có thể dẫn đến các cuộc điều tra mới của các Chính phủ và buộc công ty phải tiết lộ thêm chi tiết về cách hoạt động của nền tảng.

Còn John Nicolson, một nhà lập pháp đến từ Scotland nhận định: "Facebook đang thất bại trong việc ngăn chặn tác hại đối với trẻ em, không ngăn chặn được sự lan truyền thông tin sai lệch, không ngăn chặn được sự lan truyền của lời nói căm thù, kích động; Họ có quyền giải quyết những vấn đề này, nhưng vấn đề là họ chọn giải quyết hay không giải quyết thôi".

Facebook thừa nhận đang bị điều tra. Ảnh: @AFP.

Facebook thừa nhận đang bị điều tra. Ảnh: @AFP.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, một đảng viên Đảng Dân chủ đến từ Connecticut nói rằng Hồ sơ Facebook rò rỉ "như vang dội thêm vào tiếng trống của những lời kêu gọi cải cách, các quy tắc để bảo vệ thanh thiếu niên, cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thực sự từ Facebook và các gã Big Tech khác".

Phản đáp lại, Facebook cho biết nhiều tài liệu nghiên cứu do bà Haugen công bố đã bị hiểu sai. Công ty cũng cho biết họ đã "đầu tư rất nhiều vào con người và công nghệ để giữ cho nền tảng của họ an toàn".

Mark Zuckerberg: Báo chí cùng đưa tin "Hồ sơ Facebook" chỉ càng làm nên bức tranh tiêu cực và không công bằng

Thậm chí, Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg cho biết việc báo chí đưa tin về những tiết lộ của Haugen là một phần của "nỗ lực phối hợp" để vẽ nên một bức tranh tiêu cực và không công bằng với những nỗ lực của Facebook trong việc kiểm duyệt nền tảng của mình, mà ông gọi là tốt hơn so với các đối thủ khác.

Bên cạnh đó, trong động thái mới nhất Facebook yêu cầu nhân viên của mình lưu giữ tất cả các tin nhắn và tài liệu nội bộ kể từ năm 2016, vì công ty đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng và các cuộc điều tra của chính phủ.

Cụ thể vào ngày 26/10, Facebook gửi "lệnh tạm giữ hợp pháp" đến các nhân viên của mình, yêu cầu họ không được xóa bất kỳ tài liệu và thông tin liên lạc nội bộ nào kể từ năm 2016. Trong một email, công ty đã hướng dẫn nhân viên giữ gìn liên lạc nội bộ, bao gồm cả những cuộc nói chuyện phiếm xung quanh công ty của mình.

"Như bạn có thể biết, chúng tôi hiện đang là tâm điểm trên các phương tiện truyền thông dựa trên một loạt các tài liệu nội bộ. Như thường lệ sau vụ việc này, một số các chính phủ và cơ quan lập pháp đã yêu cầu đảm bảo dữ liệu cho phục vụ công tác điều tra hoạt động của công ty nếu cần", Facebook cho biết trong email. 

Báo chí cùng đưa tin "Hồ sơ Facebook" chỉ để làm nên bức tranh tiêu cực và không cân bằng, Mark Zuckerberg nói. Ảnh: @AFP.

Báo chí cùng đưa tin "Hồ sơ Facebook" chỉ để làm nên bức tranh tiêu cực và không cân bằng, Mark Zuckerberg nói. Ảnh: @AFP.

"Yêu cầu về bảo mật tài liệu cũng là một phần trong quá trình phản hồi các câu hỏi pháp lý", Genevieve Grdina- một phát ngôn viên khác của Facebook nói. Các nhân viên đã được thông báo rằng, tài liệu liên quan trực tiếp đến WhatsApp, Spark AR và nhóm Thử nghiệm sản phẩm mới sẽ được miễn lưu giữ pháp lý. Tuy nhiên, các tin nhắn WhatsApp liên quan đến các sản phẩm Facebook cũng được đưa vào danh sách phải lưu giữ.

Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) được cho là bắt đầu xem xét những tiết lộ của cựu nhân viên Frances Haugen. Cơ quan này cũng được cho là đã liên lạc với "nhóm pháp lý" của Frances Haugen,  bao gồm  luật sư của đảng Dân chủ Bill Burton và luật sư Mark Zaid của Whistleblower Aid. Ngoài ra, FTC cũng xét lại việc Facebook có thể vi phạm thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD vào năm 2019 liên quan đến bảo mật dữ liệu do vụ bê bối Cambridge Analytica gây ra hay không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem