Franz Beckenbauer và Johan Cruyff đã gặp nhau và họ cùng là những người được yêu mến nhất!
Franz Beckenbauer và Johan Cruyff đã gặp nhau và họ cùng là những người được yêu mến nhất!
Chính Minh
Thứ ba, ngày 09/01/2024 17:10 PM (GMT+7)
Hơn 7 năm sau ngày "Thánh Johan" qua đời, vừa qua, bóng đá thế giới đã phải đón nhận tin buồn khi "Kaiser" (Hoàng đế) Franz Anton Beckenbauer ra đi ở tuổi 78. Cả thế giới bóng đá tiếc thương ông - người đội trưởng duy nhất có thể đánh bại Johan Cruyff trong một trận chung kết World Cup.
Johan Cruyff kém Franz Beckenbauer hai tuổi và họ cùng thời với nhau. Bóng đá những năm 70 thế kỷ trước, chính họ là những người làm nên vẻ đẹp bóng đá. Mọi so sánh luôn khập khiễng, nhưng với những mối duyên nợ giữa bóng đá Đức và Hà Lan, có thể đối trọng giữa Franz Beckenbauer và Johan Cruyff như cách Ronaldo và Messi (cách nhau đúng hai tuổi) mang lại vẻ đẹp, sự cuốn hút cho người hâm mộ thời nay.
Franz Beckenbauer không chỉ là cầu thủ Đức đầu tiên đạt đến ngưỡng 100 lần khoác áo ĐTQG (giai đoạn 1965-1977), mà bảng thành tích của Kaiser cũng rất đáng ngưỡng mộ: Vô địch World Cup 1974, vô địch Euro 1972, giành cúp Liên lục điạ 1976, ba lần giành Cúp C1 châu Âu liên tiếp 1974, 1975, 1976, một lần vô địch Cúp C2 năm 1967, cùng vô số danh hiệu vô địch Bundesliga và Cúp QG Đức trong màu áo Bayern Munich.
Franz Beckenbauer cũng hai lần được bầu chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu" năm 1972, 1976.
Khởi nghiệp tại CLB SC 1906 Munich (1951-1959), sau đó chuyển sang đội bóng cùng thành phố Bayern Munich và khẳng định được tên tuổi cùng "Hùm xám" (giai đoạn 1964-1977). Ngay ở mùa giải đầu tiên khoác áo Bayern Munich, Franz Beckenbauer từ một cầu thủ dự bị được triệu tập thẳng vào ĐTQG năm 1965.
Điểm nhấn trong sự nghiệp lừng lẫy của Franz Beckenbauer khi ông là người thứ hai, sau Mario Zagallo (Brazil) vô địch World Cup trên cương vị cầu thủ và HLV (người thứ ba làm được điều này trên thế giới tính đến lúc này là cầu thủ, HLV người Pháp Didier Deschamps).
Nhưng có một điều mà chỉ riêng Kaiser làm được khi ông là người đội trưởng duy nhất có thể đánh bại "Thánh" Johan Cruyff trong một trận chung kết World Cup năm 1974.
Thời điểm cách đây gần 50 năm, Hà Lan được đánh giá cao hơn Tây Đức nhưng cuối cùng đã thua 1-2. Hà Lan với đội trưởng là "Thánh Cruyff" dẫn trước từ sớm với pha lập công của Neeskens từ phút thứ 2 nhưng chung cuộc đã thất bại khi Tây Đức ghi được hai bàn gắn với tên tuổi của Breitner (phạt đền phút 25) và Gerd Mueller (phút 43).
Giải đấu đó, Franz Beckenbauer không ghi một bàn nào nhưng chính là người đội trưởng mẫu mực đưa Đức lên ngôi vương. Ông cũng được coi là người sáng tạo ra vị trí Libero (trung vệ tự do) trong bóng đá.
Ngày ấy, "Thánh Johan" có phần chưa tâm phục khẩu phục khi phát biểu trước báo giới: "Tây Đức vô địch, nhưng Hà Lan mới là đội được yêu mến nhất".
Nhưng sau tất cả, không ai có thể phủ nhận vai trò, tầm ảnh hưởng của Beckenbauer với tư cách một "chiến binh" ngăn cản sự "tàn phá" của "cơn lốc màu da cam".
Bày tỏ sự kính trọng và tiếc thương Kaiser, trên trang cá nhân, BLV Vũ Quang Huy viết dòng trạng thái:
"Franz Beckenbauer - Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Đức đã qua đời ở tuổi 78. Được coi là biểu tượng của thành công, Hoàng đế Beckenbauer không chỉ có được tất cả những danh hiệu lớn khi còn là cầu thủ mà còn vô địch thế giới trong vai trò HLV và giúp bóng đá Đức bước lên một tầm cao mới.
Là người khai sinh vị trí Libero, Kaiser mang trong mình tinh thần thép của một người Đức nhưng chơi bóng khoan thai, lãng tử. Pele từng nhận xét ông là 1 người Brazil sinh ra tại châu Âu.
Tôi đã có may mắn gặp gỡ và phỏng vấn Hoàng đế Beckenbauer tại Frankfurt thời điểm ông giữ cương vị trưởng ban tổ chức World Cup 2006. Khi đó tôi và các đồng nghiệp quốc tế đều rất ấn tượng về sự uyên bác và lịch thiệp của ông
Thật buồn khi những con người góp phần đưa bóng đá trở thành môn thể thao Vua lần lượt rời bỏ chúng ta!"
Chia sẻ với nỗi tiếc thương của người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói riêng và bóng đá thế giới nói chung, BLV Ngô Quang Tùng viết:
"Đối với tôi, hình ảnh F. Beckenbauer quấn băng tay sát người, lăn lộn khắp sân ở World Cup 1970 là hình ảnh tuyệt vời nhất của Hoàng Đế. Đó là một người Đức điển hình: mạnh mẽ, ý chí, lãnh đạo giỏi, khoa học, sáng tạo…Ông còn đặc biệt đến mức những điều người khác làm là bất thường thì với ông, dư luận vẫn chấp nhận một cách bình thường…
Thế hệ tôi không được trực tiếp xem Beckenbauer thi đấu, nhưng tên tuổi của Kaiser đã băng qua vạn dặm, vượt mọi thời gian để mặc định trong đầu thằng bé 7X rằng đó phải là một nhân vật của một trận bóng đá quốc tế.
Chả thế mà bài tập làm văn năm lớp 4 Bố giao, tả về một trận WC, phải có Beckenbauer, tả xung hữu đột, cản phá có, chuyền bóng có, đột phá cũng có, ghi bàn cũng có luôn… Một vị anh hùng chẳng khác gì Triệu Tử Long phá trận quân Tào…
Trong ngôi đền của các huyền thoại, Beckenbauer mãi sẽ có một trong những vị trí trang trọng nhất, vì những gì mà ông đã cống hiến trong sự nghiệp vĩ đại của mình".
Còn với tôi, một người yêu bóng đá Hà Lan mà kính trọng "Thánh Cruyff" - "bại tướng" của Franz Beckenbauer, thì chỉ có một câu: "Cuối cùng, Franz Beckenbauer và Johan Cruyff đã gặp nhau và họ cùng là những người được yêu mến nhất!"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.