Kế hoạch chạy tàu của ga Sài Gòn từ 17h ngày 31.3.
Sáng 24.3, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã thông báo thay đổi lịch trình chạy tàu, áp dụng từ 17h ngày 31.3.
Theo đó, các chuyến tàu tại ga Sài Gòn sẽ xuất phát sớm hơn 1 giờ, và các chuyến tàu cập bến ga Sài Gòn sẽ trễ hơn 1 giờ so với thời gian in trên vé (đối với các vé mua trước 0h ngày 24.3). Riêng các vé mua sau 0h ngày 24.3, thời gian in trên vé là thời gian khởi hành đã được điều chỉnh.
“Với các trường hợp bị nhỡ tàu do thay đổi giờ khởi hành, hành khách sẽ được bố trí đi chuyến tàu kế tiếp hoặc trả lại 100% tiền vé”, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết. Tuy nhiên, đối với các vé mua sau 0h ngày 24.3 (tức đã in thời gian điều chỉnh) sẽ không được hưởng chính sách trên.
Sau 3 ngày “nằm im” trên đường ray do sập nhịp cầu Ghềnh, các tàu trong ga Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng trở lại từ 23.3.
Do thay đổi lịch trình, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn khuyến nghị hành khách tới sớm hơn để tránh trễ tàu. Ngược lại, các thân nhân có thể sắp xếp lại thời gian để đón người thân hợp lý hơn.
Sau khi lên tàu tại ga Sài Gòn, hành khách sẽ được đưa tới ga Sóng Thần rồi trung chuyển bằng ô tô (miễn phí) sang ga Biên Hòa. Tuy nhiên, hành khách cũng có thể tự tới ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình theo lịch chạy tàu tại ga Biên Hòa.
Kế hoạch chày tàu của ga Biên Hòa.
Ngoài 5 đôi tàu đi, đến ga Sài Gòn, còn có 2 đôi tàu Hà Nội - Nha Trang - Hà Nội là đôi tàu SE7/8 và SE1/2.
Hành khách đi tàu có thể cập nhật lịch trình chạy tàu tại ga Sài Gòn tại trang Facebook https://www.facebook.com/duongsatsg.
Trước đó, ga Sài Gòn đã thông báo tạm dừng hoạt động của đôi tàu SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết) và tàu SNT1 (Nha Trang - Sài Gòn); tàu SNT1 được thay bằng tàu SNT5 (Nha Trang - Sài Gòn) trong thời gian cầu Ghềnh gặp sự cố, từ ngày 23.3.
Trưa 20.3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang điều khiển, kéo theo sà lan (biển số SG 5984) chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai hướng về cầu Hóa An, đã tông cực mạnh vào mố cầu số 2 của cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Cú đâm mạnh làm nhịp cầu này rớt chìm xuống sông. Nhịp cầu thứ 3 cũng rớt và cắm một đầu dưới sông. Thời điểm sà lan đâm sập cầu, đang có nhiều người đi xe máy khiến nhiều người và xe rơi xuống sông. Rất may, tất cả đều thoát nạn.
Ba người liên quan trực tiếp trong vụ tai nạn sà lan tông sập cầu Ghềnh là chủ tàu và hai tài công đã được di lý từ Sóc Trăng về Đồng Nai để phục vụ điều tra.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.