Mỗi vụ thu hoạch 20.000 bịch nấm sạch đủ loại, "hái" đều 20 triệu đồng/tháng
Gái xinh mỗi vụ thu hoạch 20.000 bịch nấm sạch đủ loại, "hái" đều 20 triệu đồng/tháng
B.Minh - T.Thương
Thứ tư, ngày 24/03/2021 19:02 PM (GMT+7)
Với sự táo bạo, năng động của tuổi trẻ, chị Phạm Khánh Hương (thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) đã thành công với mô hình trồng nấm bào ngư, và nấm mỡ. Hiện mỗi vụ trang trại của chị Hương thu hoạch 20.000 bịch, "hái" đều 20 triệu đồng/tháng.
Vốn xuất thân từ một gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, sau khi tốt nghiệp cấp 3 không giống như bao bạn bè cùng trang lứa học tiếp lên đại học, ngược lại Hương lựa chọn ở nhà làm nghề cùng bố mẹ.
Nhưng mọi thứ đều đến không dễ dàng như cô gái này kỳ vọng, thị trường đồ thủ công mỹ nghệ dần đang bão hòa, thu nhập bấp bênh, sản xuất kinh doanh của gia đình bị ảnh hưởng, nguồn thu sụt giảm.
"Cơ sở sản xuất nấm của chị Hương là một trong những mô hình tiên phong, tiêu biểu của xã Liên Hà. Không những vậy, hàng năm, cơ sở luôn đầu tư, cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để sản xuất nấm theo hướng hữu cơ, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương".
Bà Ngô Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ
xã Liên Hà, huyện Đông Anh
Hương bảo: "Đã 30 tuổi nhưng chưa có một nghề nghiệp ổn định, kinh tế phụ thuộc vào gia đình. Nên rất muốn tìm kiếm những mặt hàng, sản phẩm mới để đầu tư chứ không tiếp tục theo nghề truyền thống của bố mẹ".
Cơ duyên bắt đầu đến với Hương, năm 2016, Phòng Kinh tế huyện Đông Anh đưa chính sách mở lớp dạy nghề, khuyến khích các hộ dân trồng nấm, tăng lượng thu mua rơm rạ cho nông dân; xử lý tàn dư nông sản thành phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi biết được mục đích thiết thực của chương trình, Hương mạnh dạn đăng ký tham gia. Trong khóa học cô là người trẻ tuổi nhất và luôn thể hiện sự quyết tâm, kiên trì theo học toàn bộ số buổi dạy.
Trở về từ lớp đào tạo, với suy nghĩ táo bạo của tuổi trẻ, dám nghĩ dám làm, Hương đã mạnh dạn vay vốn hơn 1 tỷ đồng, tận dụng khu đất dồn điền đổi thửa của gia đình để xây dựng trang trại trồng nấm sạch.
"Bản thân tôi thời điểm đó cũng rất liều lĩnh vay hơn 1 tỷ để đầu tư trồng nấm, cho đến giờ vẫn không thể tin vào những gì mình đã vượt qua để có được những thành quả như hiện nay"- Hương nhớ lại.
Khởi đầu với chỉ 500 bịch phôi giống nấm bào ngư nhưng nhờ sự hỗ trợ vốn của huyện Đông Anh, Hương đã đầu tư máy móc phục vụ công việc sản xuất nấm như: Cabin hấp, máy đóng bịch… nhờ đó, quy mỗ sản xuất được nâng lên phần nào.
Chính sự tâm huyết, đam mê, đến nay, Hương đã sở hữu mô hình 4.000m2 nhà xưởng và hơn 20.000 bịch nấm các loại như: Nấm bào ngư, nấm mỡ. Những sản phẩm này là nguồn cung ổn định cho các chợ dân sinh trong khu vực xã và lái buôn nội thành Hà Nội.
Theo Hương chia sẻ, trồng nấm đã khó thì việc tìm đầu ra lại càng khó hơn, ban đầu, sản lượng thu hoạch nấm ít, mỗi ngày chỉ từ 10 - 15kg cô phải mang ra chợ để bán vì rất ít người biết và tin dùng sản phẩm của mình.
Vất vả gần 1 năm trời, Hương đi giới thiệu, chào mời sản phẩm khắp nơi, rồi đăng tải lên Facebook cá nhân để quảng bá, với nỗ lực không ngừng, sản phẩm của cô đã được nhiều khách hàng lựa chon, tìm được đầu ra ổn định.
"Hái" ra tiền với nghề trồng nấm sạch
Hương cho biết, nấm bào ngư được trồng theo phương pháp treo giàn, nấm mỡ được phủ đất trồng trong nhà lạnh. Để hạn chế dịch bệnh, tận dụng tối đa diện tích và giảm chi phí đầu vào cô đã đầu tư hệ thống phun sương tự động nhằm giữ ẩm cho 3 nhà nấm.
Nguyên liệu để tạo nên phôi nấm rất đơn giản, không tốn nhiều chi phí và có sẵn từ các phế phẩm nông nghiệp như mùn cưa, rơm rạ, gỗ mục… được phối trộn với cám ngô, cám gạo, đóng bịch ủ khoảng một tuần. Sau đó, bịch phôi được đưa vào lò hấp, để nguội và cấy giống. Mỗi bịch phôi nấm có trọng lượng khoảng 1kg, dùng trong khoảng 3 tháng và thu hái được 8 lần.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng nấm, Hương cho hay, nấm là loài khó tính nên lúc cấy trồng phải tuyệt đối giữ sạch nguồn nước, phải dành nhiều thời gian theo dõi, kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm để nấm phát triển, nhiệt độ lý tưởng để nấm sinh trưởng là từ 18 – 25 độ C.
Hơn nữa, trong quá trình chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh không được sử dụng thuốc hóa học. Với việc tập trung đầu tư trồng đúng quy trình, kỹ thuật, nấm sẽ cho thu hoạch liên tục trong 8 tháng (từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau).
"Nấm bào ngư và nấm mỡ có chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày, vòng quay vốn nhanh nên có thể ngừng sản xuất bất kỳ lúc nào khi thời tiết không thuận lợi, do đó, hạn chế được tối đa rủi ro".
Hương cho rằng, trồng nấm không phải đầu tư quá lớn, đổi lại là thu nhập cao hơn so với các nghề khác nhưng đòi hỏi sự nhiệt huyết và cần mẫn. Từ khi dịch Covid-19 xảy ra nhưng cơ sở sản xuất nấm của Hương hầu như không bị ảnh hưởng nhiều, sản lượng đầu ra vẫn ổn định, thậm chí không kịp hái để bán.
Hiện, mỗi ngày Hương cùng công nhân hái nấm 1 - 2 lần (sáng sớm và chiều tối), trung bình thu được 20 - 30kg nấm bào ngư, có đợt thời điểm nấm ra nhiều có thể lên đến 50 kg/ngày.
Theo tính toán của chị Hương, so với nấm bào ngư thì nấm mỡ khó trồng hơn, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao hơn nên giá dao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, còn nấm bào ngư có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg.
Vào mỗi vụ sản xuất nấm cơ sở của Hương trồng khoảng 20.000 bịch phôi nấm, sau mỗi vụ cung cấp ra thị trường khoảng 2 - 3 tấn nấm mỡ và 3 - 4 tấn nấm bào ngư, cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, gần 300 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về ngã rẽ bất ngờ của bản thân mình với cơ duyên đến với nghề trồng nấm, Hương bảo: "Ngay từ những buổi đầu, được trực tiếp thực hành, những bụi nấm bào ngư mọc chi chít tôi thấy hứng thú, niềm đam mê xuất hiện từ lúc nào cũng không hay. Sau ba khóa học, nắm chắc kỹ thuật trong tay, tôi tự tin có thể mở một mô hình sản xuất nấm và nay tôi đã thành công. Mục tiêu của tôi là luôn tạo ra những sản phẩm ngon, sạch đến người tiêu dùng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.