Gần 188.000 hồ sơ gửi qua cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ NNPTNT

Lực Khương Thứ năm, ngày 19/12/2019 22:02 PM (GMT+7)
Để tiếp tục cải cách mạnh mẽ trong các thủ tục hành chính, trong năm 2019, Bộ NNPTNT đã thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT.
Bình luận 0

Cụ thể, năm 2019, Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ để trình Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai; Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành 30 Thông tư; hoàn thành 16/16 đề án trình Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, năm 2019 giảm khoảng 2,1% biên chế công chức, viên chức so với năm 2018; tinh gọn 3 tổ chức trực thuộc Bộ, giảm trên 41 đơn vị trực thuộc các trường; hệ thống quản lý nhà nước ngành ở các cấp cũng được rà soát, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. 

img

Năm 2019, đã có gần 188.000 hồ sơ gửi qua cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ NNPTNT

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP, số 02/NQ-CP, năm 2019, Bộ đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cả năm có thêm khoảng 187.810 hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống. Thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đã ban hành Danh mục TTHC lĩnh vực nông nghiệp và PTNT với tổng số 386 TTHC; số TTHC được cắt giảm so với trước đó là 122 thủ tục, đã công bố 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, trong năm 2019, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì 26 hội nghị, hội thảo chuyên đề về NN và PTNT) tháo gỡ cơ chế, cải cách thủ tục hành chính, khai thông nguồn lực, thị trường, nên đã tạo môi trường thuận lợi, tăng niềm tin, phát huy cao độ tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của bà con nông dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sát thực tiễn, sáng tạo, đổi mới, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực trong thực hiện cơ cấu lại và xây dựng nông thôn mới của Bộ và toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm.

Lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt: Mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn…

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và kích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội.

Trong công tác phòng chống thiên tai, cháy rừng, dịch bệnh, thường xuyên quan tâm đời sống người dân, quán triệt tinh thần “phát triển bao trùm; không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT đã có một số kiến nghị về cơ chế chính sách để thực hiện cho năm 2020, đó là:

- Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

- Sau Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện “Đề án ANLT quốc gia đến năm 2020” theo Kết luận số 53-KL/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về an ninh lương thực (thay thế Nghị quyết số 63/NQ-CP sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận mới về “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy định về quản lý linh hoạt, hiệu quả diện tích đất trồng lúa phù hợp với Luật Quy hoạch và định hướng thị trường; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem