Ngành chăn nuôi dẫn đầu về cải cách hành chính lĩnh vực nông nghiệp

Hà Vũ Thứ hai, ngày 16/12/2019 17:18 PM (GMT+7)
Hơn 10 năm qua, ngành chăn nuôi luôn dẫn đầu về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc tinh giản các thủ tục hành chính, áp dụng phương thức điện tử, trực tuyến vào thực hiện thủ tục hành chính đã tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước lĩnh vực này.
Bình luận 0

img

Cải cách hành chính đã góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển. Ảnh: NNK

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong hơn 10 năm qua (2008 - 2018) triển khai tinh giản, áp dụng phương thức điện tử, trực tuyến vào thực hiện thủ tục hành chính đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Hàng năm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong chăn nuôi theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ thủ tục hành chính không phát sinh hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT phân công, phân cấp cho địa phương trực tiếp giải quyết một số thủ tục hành chính và sắp xếp, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp về chăn nuôi theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Đến nay, Bộ NN&PTNT đã áp dụng phương thức điện tử, trực tuyến trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ đối với 9 nhóm thủ tục hành chính trong chăn nuôi. Từ tháng 10/2015, ngành chăn nuôi đã thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với nhóm 3 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Đến tháng 2/2017, đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục đăng ký thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước và hoàn thành thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với nhóm 3 thủ tục thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào tháng 7/2019.

Đứng trước áp lực hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết, ngành sẽ phải triệt để cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin. Sản phẩm chăn nuôi phải hướng đến xuất khẩu, vì nhu cầu trong nước đã đáp ứng đủ. Do vậy, phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Ông Dương cho biết, Quốc Hội cũng thông qua Luật Chăn nuôi trong đó quy định việc quản lý theo chuỗi, từ khâu giống đầu vào tới khâu thị trường, tổ chức theo các chuỗi liên kết, phát huy vai trò của hợp tác xã để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

img

Cải cách hành chính giúp ngành chăn nuôi phát triển.

“Do vậy, cải cách hành chính sẽ tiếp tục phải được áp dụng, đồng thời thực hiện tốt Luật Chăn nuôi, kê khai chăn nuôi, áp dụng công nghệ thông tin để quản lý”, ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng như cắt giảm các thủ tục hành chính là một trong những công việc trọng tâm của Bộ nhiều năm gần đây. Tất cả các đơn vị liên quan đến thủ tục hành chính đều được giao thực hiện công việc này và đây là công việc thường xuyên, bắt buộc phải làm.

Tất cả các thủ tục hành chính, các điều kiện cắt giảm đầu tư kinh doanh đều thể hiện trong văn bản pháp luật. Việc thực hiện cắt giảm này bắt đầu từ nhận thức của cán bộ công chức từ các cấp lãnh đạo sau đó được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật. Việc cắt giảm này có sự phản biện của xã hội, các cộng đồng doanh nghiệp để bảo đảm thực chất cũng như góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Kim Anh, đây là công việc khó. Chặng đường này còn khá dài, ngành sẽ phải có sự nỗ lực hơn nữa trong duy trì và tiếp tục cải cách theo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem