Gần 19 năm qua, Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ vẫn chưa thể xây dựng
Gần 19 năm qua, Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ vẫn chưa thể xây dựng
Huỳnh Xây
Thứ tư, ngày 20/12/2023 08:00 AM (GMT+7)
Do nhiều nguyên nhân, gần 19 năm qua, Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô ở Cần Thơ vẫn chưa thể xây dựng. Mới đây, UBND TP. Cần Thơ đã có báo cáo trình HĐND thành phố kiến nghị thay đổi định hướng đầu tư đối với dự án này.
Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô gần 19 năm chưa thể xây dựng
Theo thông tin của phóng viên Dân Việt có được, UBND TP. Cần Thơ vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô theo các nghị quyết của HĐND thành phố. Trong đó nêu rõ, đến nay, đã gần 19 năm, dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô vẫn chưa thể xây dựng.
Được biết, năm 2004, HĐND TP. Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 15 về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Nam bộ.
1 năm sau đó, HĐND TP. Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 33 về việc đổi tên và điều chỉnh quy mô diện tích xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Nam bộ thành Trung tâm Văn hóa Tây Đô.
Để thực hiện các nghị quyết trên, UBND thành phố đã trình Thủ tướng Chính phủ và được cho phép đầu tư dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô.
Dự án được thực hiện ở khu đô thị Nam Cần Thơ, nằm ở quận Cái Răng với quy mô hơn 172ha. Trong đó, khu trung tâm 116ha, còn lại là khu tái định cư (giai đoạn 1 thực hiện 44,7ha, giai đoạn 2 thực hiện 12ha).
Kinh phí thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô lấy từ ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Thời gian thực hiện dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép từ 2005 đến 2017. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa thể xây dựng.
Công việc mà UBND TP. Cần Thơ đã triển khai mới chỉ là lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô, thực hiện bồi hoàn, thu hồi đất, tái định cư 1 phần và thành lập ban quản lý dự án…
Trước tình hình trên, UBND thành phố đánh giá việc triển khai thực hiện các nghị quyết chậm và chỉ đạt được kết quả rất hạn chế.
Nguyên nhân là do thể chế vốn, không thực hiện được theo khoản 6 Điều 1 Nghị quyết 15/2004 là "đề nghị Chính phủ đầu tư đặc cách hoặc đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia".
Kế đến là do thiếu sự quyết tâm trong công tác triển khai nên dự án kéo dài qua nhiều năm (gần 19 năm), TP đã có nhiều định hướng mới (về bổ sung khu hành chính tập trung TP. Cần Thơ nằm trong Trung tâm Văn hóa Tây Đô, về quy hoạch không gian phát triển thành phố nói chung và quận Cái Răng nói riêng), cần sự điều chỉnh nội dung đầu tư so với nghị quyết đã ban hành.
Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do thành phố thiếu chủ động trong bố trí nguồn lực của thành phố cũng như còn bị động trong đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư để thực hiện đầu tư Trung tâm Văn hóa Tây Đô khi không có được sự đầu tư từ Chính phủ như dự kiến.
Kiến nghị thay đổi định hướng đầu tư đối với Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô
Theo UBND TP. Cần Thơ, mô hình trung tâm văn hóa với hoạt động chính là vui chơi, giải trí đầu tư bằng ngân sách hoặc vốn ngoài ngân sách đã không khả thi và không thực hiện được trong thời gian hơn 19 năm.
Về lâu dài, với vị trí trung tâm đô thị Cái Răng, việc đầu tư theo mô hình trước đây càng ngày càng không khả thi, dẫn đến lãng phí trong quản lý, sử dụng đất và ảnh hưởng sâu sắc đời sống và hoạt động của người dân, tạo nhiều khó khăn trong quản lý môi trường, văn hóa và xã hội tại khu vực trung tâm của đô thị.
Do đó, UBND TP. Cần Thơ trình HĐND thay đổi định hướng đầu tư, xem xét ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật bãi bỏ Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 33. Sau đó, ban hành nghị quyết mới.
Theo đó, chỉ sử dụng hơn 69ha để làm Trung tâm Văn hóa Tây Đô và khu hành chính tập trung TP. Cần Thơ (gọi chung là Khu hành chính - văn hóa TP. Cần Thơ). Còn phần diện tích còn lại sẽ quản lý và thu hút đầu tư phát triển đô thị theo định hướng quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 quận Cái Răng đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.