Gần 65 nghìn tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đề xuất tới Quốc hội
Gần 65 nghìn tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng gửi đề xuất tới Quốc hội
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 21/05/2020 08:05 AM (GMT+7)
Trong báo cáo về kết quả thực hiện các Nghị quyết Quốc hội vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng bày tỏ quan ngại về chất lượng các khoản vay BOT giao thông, khi khoảng 64.676 tỷ đồng cho vay BOT có nguy cơ phải cơ cấu nợ.
Theo báo cáo của NHNN gửi tới Quốc hội, tăng trưởng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2016, tín dụng tăng trưởng 18,25%, năm 2017 là 18,28% và giảm xuống chỉ còn 13,89% năm 2018 và 13,65% năm 2019. Tính đến cuối tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 1,3%.
Mặc dù vậy, tín dụng vẫn tăng trưởng phù hợp, được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng và GDP năm 2016 tương ứng là 18,25% và 6,21%; năm 2017 là 18,28% và 6,81%; năm 2018 là 13,89% và 7,08%; năm 2019 là 13,65% và 7,02%. Điều này cho thấy các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tín dụng BĐS tăng nhanh, tập trung vào mục đích tự sử dụng
Trong cơ cấu tín dụng, giai đoạn 2016-2019, tín dụng đối với ngành công nghiệp bình quân tăng 9,17%/năm, chiếm trên 20% tổng dư nợ nền kinh tế; Tín dụng ngành xây dựng bình quân tăng 12,76%, chiếm 9,64%; Tín dụng ngành thương mại dịch vụ tăng trưởng ổn định đạt mức trung bình khoảng 18,6%, chiếm từ 57%-62,5%, trong đó, ngành Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác là ngành có dư nợ cao nhất, chiếm từ 16,7%-20,5%.
Tạm tính đến cuối tháng 3/2020, tín dụng ngành công nghiệp tăng 2,11% so với cuối năm 2019, chiếm 19,19% tổng dư nợ nền kinh tế; tín dụng ngành xây dựng tăng 2%, chiếm 9,84%; tín dụng đối với ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 0,45%%, chiếm 20,31%.
Bình quân giai đoạn 2016-2019, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,83%, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16,35%, chiếm 19%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 7%, chiếm 3,2%; công nghiệp hỗ trợ tăng 19,57%, chiếm 2,81%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,6%, chiếm 0,42%.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019. Theo đó, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 0,86%, chiếm 24,8%; doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,74%, chiếm 2,99%; công nghiệp hỗ trợ tăng 1,38%, chiếm 2,83%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,42%, chiếm 0,39%.
Đối với dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng. Cụ thể, tỷ trọng tín dụng kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ bất động sản tại thời điểm 31/12/2017 là 45,63% giảm còn gần 33% vào cuối năm 2019.
Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Tín dụng chứng khoán giảm mạnh thời gian qua. Năm 2018, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán là 14,7%, năm 2019 là 6,79%. Đến cuối tháng 3/2020, lĩnh vực cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 0,92%, chiếm 0,36%.
Tín dụng tiêu dùng cũng không còn tăng trưởng nóng như trước: năm 2016 là 48%, năm 2017 là 36,07%; năm 2018 là 29,59%; năm 2019 là 19,49%. Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tăng 0,26%, chiếm 20,44%.
Khoảng 64.676 tỷ đồng cho vay BOT có nguy cơ thành nợ xấu
Riêng đối với lĩnh vực BOT, BT giao thông, theo báo cáo của NHNN, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.
Đặc biệt, trong năm 2019, 4 tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 6.686 tỷ đồng thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang thực hiện giải ngân theo tiến độ dự án.
Thời gian qua, NHNN đã theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng thứ nhất phải kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Tăng cường kiểm soát rủi ro trong việc cho vay đối với các dự án BOT giao thông. Thứ hai, tăng cường cho vay hợp vốn đối với các dự án lớn nhằm chia sẻ rủi ro, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định. Thứ ba, thờng xuyên nắm bắt thông tin về dự án, khách hàng vay vốn, phối hợp với khách hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của TCTD.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký; Tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng để minh bạch hóa và kiểm soát nguồn thu; Đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, phối hợp với Bộ GTVT quản lý thu phí và quy hoạch giao thông địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.