Gần 6,7 triệu hộ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Thu Hà Thứ tư, ngày 23/01/2019 06:30 AM (GMT+7)
2018 là một năm thành công của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 16.000 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Nợ quá hạn chiếm 0,39% tổng dư nợ, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bình luận 0

img

Phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với bà Trần Lan Phương (ảnh) - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH xung quanh kết quả này.

Xin bà cho biết những kết quả nổi bật năm 2018 của Ngân hàng CSXH khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội?

- Năm 2018, Ngân hàng CSXH đã thực hiện xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31.12.2018 đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng so với năm 2017, cùng việc thực hiện tốt thu nợ với doanh số đạt trên 45.888 tỷ đồng đã tạo ra nguồn tín dụng cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.

img

Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH, anh Đinh Văn Tá (ngoài cùng bên trái) xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình đã đầu tư nuôi bò hiệu quả... Ảnh: Thu Hà

Ngân hàng CSXH được ngân sách nhà nước cấp 500 tỷ đồng để thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội. Đến 31.12.2018 đã thực hiện cho vay 905 tỷ đồng với 59 tỉnh, thành phố. Đến nay có 2.800 căn nhà ở xã hội được vay từ nguồn vốn này.  

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 243.000 lao động. Giúp gần 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 51.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn ưu đãi, đã có thêm trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, xây dựng gần 30.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2.800 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015.

Đến 31.12.2018, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.

Năm 2018 hoạt động chuyển vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng CSXH được thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Năm 2018 được đánh giá là năm mà các địa phương chuyển vốn từ ngân sách sang Ngân hàng CSXH theo Chỉ thị 40 thành công nhất. Tăng trưởng nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 2.764 tỷ đồng, đây là mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Đến 31.12.2018, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương trên toàn quốc đạt 11.809 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH từ khi có chỉ thị (năm 2014) đến nay đạt 8.000 tỷ đồng. Đây là một con số thể hiện sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động chính sách xã hội.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, Ngân hàng CSXH sẽ tập trung thực hiện những giải pháp cốt lõi nào để nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi?

- Năm 2019, Ngân hàng CSXH đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao gửi các bộ ngành xem xét trình Chính phủ. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ đảm bảo chất lượng phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục làm tốt công tác tập trung khơi tăng nguồn lực, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận ủy thác của các địa phương, đẩy mạnh huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp thực tiễn hoạt động. Ngân hàng CSXH cũng sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn; vùng có thiệt hại về thiên tai. Chúng tôi cũng đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần giảm cho vay nặng lãi ở nông thôn...

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem