7 nhóm nông sản Việt Nam nằm trong phạm vi kiểm soát của quy định chống phá rừng, đó là nhóm nào?
Nông sản Việt Nam tuân thủ chặt chẽ đạo luật chống phá rừng của EU
Thiên Hương
Thứ năm, ngày 21/11/2024 09:33 AM (GMT+7)
Hiện có 7 nhóm mặt hàng nằm trong phạm vi kiểm soát của quy định chống phá rừng (EUDR), gồm: dầu cọ, gia súc, cà phê, cao su, gỗ, ca cao và đậu tương. Trong đó, Việt Nam có 3 mặt hàng là cà phê, gỗ và cao su. Các mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU sẽ phải tuân thủ EUDR.
Mới đây, Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức hội thảo "Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi giá trị không gây phá rừng, suy thoái rừng". Sự kiện nhằm làm rõ các hướng dẫn mới của EU, giải đáp thắc mắc từ các bên liên quan, đồng thời thảo luận về các công cụ truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Quy định chống phá rừng (EUDR) được ban hành nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi quy định này. Đây là một phần trong chiến lược giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học, và thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu minh bạch, bền vững.
Tại hội thảo, TS. Rui Ludovino - Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội (Phái đoàn EU tại Việt Nam) cho biết, quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của EU (EUDR) lẽ ra bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/12/2024. Tuy nhiên, Nghị viện châu Âu (EC) đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR tại kỳ họp ngày 13-14/11/2024, thời hạn hoãn là 12 tháng.
Như vậy, các nhà xuất nhập khẩu và thương nhân lớn khi giao thương với thị trường EU sẽ phải tuân thủ Quy định này từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thêm thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu thực hiện quy định một cách thuận lợi, suôn sẻ ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Quy định.
"EU cam kết tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam bằng cách cung cấp các công cụ và thông tin cần thiết để hiểu rõ EUDR, một yếu tố quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và suy thoái rừng. EU sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thứ ba và các đối tác khác; đồng thời tiếp tục triển khai các dự án đối thoại và hợp tác hiện có, tập trung vào tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, và sự hòa nhập của các hộ sản xuất nhỏ, cùng nhiều yếu tố quan trọng khác", TS. Rui Ludovino nhấn mạnh.
Chủ động đáp ứng yêu cầu của EUDR
Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, khẳng định: "Mặc dù, Ủy ban châu Âu (EC) lùi thời gian áp dụng EUDR, song Việt Nam không chờ đợi mà đã chủ động đáp ứng các yêu cầu của EUDR. Sự chủ động này thể hiện quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, minh bạch và không phá rừng, góp phần củng cố vị thế nhà cung cấp nông sản trách nhiệm trên thị trường quốc tế".
Tháng 7/2023, Việt Nam đã ban hành Khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, sau đó Bộ trưởng gửi thư cho Chủ tịch UBND các tỉnh đề nghị phối hợp triển khai khung Kế hoạch hành động này.
Về lộ trình thực thi các giải pháp kỹ thuật thích ứng với EUDR tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Kiên (Vụ Hợp tác quốc tế) cho biết, nhiều ngành hàng nông sản tại Việt Nam như cà phê, cao su đã triển khai lộ trình thích ứng với EUDR.
Ví dụ đối với cà phê, nhóm PPP ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt, Công ty Néstle và Tập đoàn JDE đồng chủ trì làm đầu mối triển khai các hoạt động thích ứng EUDR. Từ tháng 1 - 7/2024, nhóm này đã triển khai giải pháp thí điểm đáp ứng yêu cầu của EUDR tại Đắk Lắk, Lâm Đồng. Tháng 2/2024, thành lập liên minh công tư nhằm chia sẻ và bảo mật thông tin, dữ liệu về xây dựng hệ thống rừng và vùng sản xuất đáp ứng EUDR tại 2 tỉnh trên, đồng thời dự kiến mở rộng sang Gia Lai.
Nhóm PPP ngành lâm nghiệp đã thành lập Tổ công tác xây dựng và thực hiện Kế hoạch thích ứng với EUDR của Cục Lâm nghiệp ngày 3/7/2024. Nhóm này đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đáp ứng Quy định EUDR cho các ngành hàng cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su. Đồng thời, chủ động xây dựng các gói giải pháp kỹ thuật và gửi cho EC đề nghị phản hồi.
Có thể nói, việc thích ứng với EUDR tại Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, đơn cử Việt Nam đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014; Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã quen với Quy chế gỗ 995/2010 của EU, đã thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA /FLEGT), thực thi Thỏa thuận Gỗ với Hoa Kỳ nhằm kiểm soát khai thác và buôn bán gỗ bất hợp pháp...
Về những khó khăn trong quá trình thích ứng với EUDR, đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp vẫn còn thiếu, không đồng nhất, chưa có bản đồ ranh giới rừng 2020 đáp ứng yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, chuỗi cung các ngành hàng nông sản tại Việt Nam thường dài, phức tạp, nhỏ lẻ, việc tuân thủ truy xuất hạn chế. EU chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và chỉ số giám sát thực hiện EUDR.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, sản phẩm muốn xuất khẩu vào EU phải chứng minh không phá rừng/không làm suy thoái rừng thông qua bản đồ rừng, bản đồ cà phê, lô thửa/thông tin từng lô thửa vùng trồng của nông hộ/trang trại. "Những quy định đó phải chứng minh hết sức vất vả, tốn nhiều công sức nên phía EU mới lùi lại một năm", ông cho biết.
Từ năm 2023 đến nay, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang đẩy mạnh triển khai trên thực địa, nhưng không thể nhanh được. Bởi, thứ nhất, phải xem xét tình trạng bản đồ rừng, bản đồ vùng trồng cho chính xác và phải được EU thừa nhận là đúng; thứ hai, phải điều tra/thống kê thông tin các trạng trại/nông hộ. Các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định, đa phần diện tích ngành cà phê Việt Nam không liên quan phá rừng/không làm suy thoái rừng, vấn đề là chúng ta phải chứng minh điều đó.
TS. Rui Ludovino đánh giá: "So với các quốc gia khác, Việt Nam và doanh nghiệp liên quan đã có sự chuẩn bị tốt nhất, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Bộ NNPTNT, các hiệp hội ngành hàng và nhất là bản thân các doanh nghiệp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.