Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết tại Hội nghị tổng kết Dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản tổ chức ngày 25.12.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trên thế giới hiện có khoảng 600 triệu bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 thế giới. Dự báo đến năm 2020, bệnh này sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 thế giới.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 6 – 8 triệu bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, với chi phí điều trị tiêu tốn hành chục nghìn tỷ đồng. Đây là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
“Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh có nguy cơ tử vong cao. Chi phí chữa trị bệnh tương đương với chữa trị bệnh ung thư phổi”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, rất nhiều ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đến điều trị tại một số bệnh viện có độ tuổi dưới 30. Trong khi, căn bệnh này được nhận định trước đó là xuất hiện nhiều ở người trên 40 tuổi.
Bệnh nhân điều trị bệnh phổi mạn tính.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý về hô hấp, đang diễn biến phức tạp.
“Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong chẩn đoán và điều trị, nhưng tỷ lệ mắc và tử vong do căn bệnh này vẫn gia tăng”, Thứ trưởng Xuyên cho biết.
Theo GS Ngô Quý Châu, Phó Trưởng ban thường trực Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang có xu hướng trẻ hóa là do thực trạng hút thuốc lá, thuốc lào sớm ở lứa tuổi thanh - thiếu niên hiện nay.
Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ đưa nội dung phòng chống bệnh này vào chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2012-2015, nhằm nâng cao nhận thức đúng của người dân về bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ để dự phòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.