|
Nhiều trẻ phải rời quê ra phố kiếm sống. Ảnh chụp chiều 31-5 tại phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). |
Tuổi thơ bị đánh cắp
Dáng người thấp, nước da đen sạm vì nắng gió nhưng đôi mắt ánh lên nét lanh lợi, Lê Thanh Quang, quê ở tỉnh Trà Vinh cho biết đã có “thâm niên” đánh giày ở TP. HCM hơn 2 năm nay, và cũng từng ấy thời gian nó chưa quay về quê.
“Con đang ở với anh trai, anh con dẫn lên đây làm, ở quê chỉ còn bà nội, ba mẹ con mất rồi” – nó thành thật lý giải về chuyến “ly hương” của mình. Thật bất ngờ vì đứa trẻ đó đã 11 tuổi, bởi thân hình mảnh khảnh, nhỏ thó của nó, trông cứ như mới 7- 8 tuổi. Còn bất ngờ hơn nữa khi biết rằng anh của Quang chỉ hơn em có 2 tuổi, và chúng phải tự bươn chải kiếm sống từ nhiều năm nay.
Một buổi trưa nắng đổ lửa, mẹ con chị Lê Thị Oanh ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây trên đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM), cạnh bên là hai giỏ bánh cam còn quá nửa. Chị kể quê ở An Giang, trước làm ruộng, chồng chị đã đi theo người đàn bà khác khi thằng Tuấn con chị mới 2 tuổi.
“Đời mình đã bỏ rồi, cũng muốn gom góp cho con học lấy cái chữ, nhưng khổ quá chú ơi, mỗi ngày lời chỉ khoảng trăm ngàn, đủ thứ chuyện để lo. Tui cũng đau lòng lắm khi để nó đi bán, nhưng biết làm sao giờ?” – chị buồn rầu nói. Bé Tuấn bây giờ đã 8 tuổi nhưng vẫn chưa biết chữ. Ngồi nghỉ một lúc, hai mẹ con lại tất tả đi về phía dòng người đông đúc, tiếp tục cuộc mưu sinh đầy gian khó. Không biết ngày đến trường của Tuấn đến bao giờ mới thành hiện thực.
Gặp Nguyễn Văn Nam vào một ngày cuối tháng 5 khi em đang lê bước với vẻ mặt thất thần trên khu phố Lương Văn Can (Hà Nội). Nam kể lại rạch ròi hoàn cảnh đáng thương của em: “Em đánh giày cả buổi sáng mới được có 30.000 đồng, gặp một ông khách “sộp” cho thêm 50.000 nhưng vừa bị mấy anh “đầu gấu” lột hết rồi”.
Chỉ vì được tiền bo, vui sướng quá khoe với “đồng bọn” mà Nam bị lột hết số tiền kiếm được của cả ngày lao động. Nam cho biết, quê em ở Thanh Hoá, sau một tai nạn giao thông, cả bố, mẹ và người chị gái đều chết, chỉ có Nam sống sót nhưng lại bị tật ở chân phải. Ở quê, họ hàng không ai có điều kiện để cưu mang nên Nam bỏ ra Hà Nội kiếm sống từ 2 năm nay.
Hàng ngày, Nam đi đánh giày ở khu phố cổ để kiếm sống, tối về gầm cầu Long Biên ngủ cùng những người lao động. Dù đã 12 tuổi, nhưng do ăn uống thiếu thốn, nhìn Nam đen nhẻm, chỉ bé như đứa trẻ 7 tuổi.
Quản lý còn... lúng túng
Theo thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2009, trên địa bàn cả nước khoảng 23.000 trẻ em lang thang tập trung ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng…
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, con số trẻ em lang thang trên thực tế có thể cao hơn số liệu công bố rất nhiều. Hiện nay, đội ngũ cộng tác viên chuyên trách về dân số gia đình và trẻ ở các địa phương bị thiếu hụt nên rất khó khăn trong công tác quản lý.
Đầu tiên, một số trẻ lang thang là do bị lôi kéo từ bạn bè, mặc dù gia đình rất đầy đủ về vật chất; cũng có trường hợp trẻ bị xung đột gia đình; mồ côi cha mẹ… Sau khi lên thành phố kiếm sống, trẻ bị lôi kéo, có thể sa ngã, vi phạm pháp luật... Trẻ lang thang là đối tượng có nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập, lạm dụng tình dục...và lây nhiễm các căn bệnh xã hội…
Để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm một cách có hiệu quả, ngày 12-2 -2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng An nói: “Từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, số trẻ em lang thang đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây việc hỗ trợ trẻ em lang thang theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” (tập trung trẻ lang thang rồi trả về địa phương, ngay sau đó trẻ lại quay về thành phố kiếm sống) thì hiện nay, công tác hỗ trợ đã được triển khai bài bản hơn. Cụ thể, các địa phương đã trực tiếp tới gia đình có trẻ lang thang vận động, giúp họ hiểu nỗi vất vả của trẻ, tạo dư luận xã hội để các gia đình thấy xấu hổ vì để con cái phải đi kiếm tiền từ sớm, trong khi các cháu đang ở tuổi ăn, tuổi học. Qua đó, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hiện tại hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em của ta còn thiếu đồng bộ. Các khâu xác định đối tượng có nguy cơ lang thang để phòng ngừa và khi xảy ra tình trạng trẻ lang thang, bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ… ở các địa phương có nơi chưa xác định được trách nhiệm cụ thể thuộc về cơ quan nào… do đó còn lúng túng trong công tác quản lý đối tượng trẻ em lang thang.
Tại tỉnh Khánh Hòa, năm 2009 đã phát hiện trên 40 vụ xâm hại tình dục trẻ em, tập trung ở TP. Nha Trang. Điều đáng quan tâm là nhóm trẻ lang thang từ khắp nơi kéo đến kiếm sống và không ít em bị dụ dỗ quan hệ tình dục với khách du lịch để kiếm tiền. Một cuộc khảo sát gần đây ở ba địa bàn trọng điểm: TP. Vũng Tàu, huyện Tân Thành, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho thấy, trong số 282 em lang thang, cơ nhỡ thì tỷ lệ bị xâm hại không hề nhỏ, tới 38%.
Nguyên Nghi – Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.