Gánh lỗ luỹ kế 3.641 tỷ, Vinalines rao bán thân tàu cắt lỗ giá 7.033 đồng/kg

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 14/08/2019 13:08 PM (GMT+7)
Dù ban lãnh đạo Vinalines đã nỗ lực bán tàu và xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả, song doanh nghiệp vẫn lỗ tới 496 tỷ đồng trong quý II/2019, nâng lỗ luỹ kế Vinalines lên gần 3.641 tỷ đồng. Gần đây, các tổng đoạn thân tàu đang đóng dở dang của Vinalines tiếp tục được rao bán với giá khởi điểm 7.033 đồng/kg.
Bình luận 0

img

Mảng khai thác cảng và dịch vụ cảng biển mang về doanh thu gần 2.284 tỷ đồng cho Vinalines. (Ảnh minh hoạ)

Vinalines rao bán thân tàu với giá “sắt vụn” tính theo cân

Chủ trương tái cơ cấu đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)  nhằm giải quyết những còn tàu già, cũ, vốn đầu tư lớn nhưng khai thác không hiệu quả, từ đó giảm lỗ ở khối vận tải biển đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện trong những năm gần đây.

Mới đây nhất, Công ty Đấu giá Hợp danh OCD An Thuận Phát thông báo bán đấu giá tài sản do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ủy quyền.

Tài sản đấu giá bao gồm các tổng đoạn thân tàu 47.500DWT- HB02, HB03 đang lưu giữ và bảo quản tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long (Công ty Đóng tàu Hạ Long) và các tổng đoạn thân tàu 12.500DWT - BV12 đang bảo quản và lưu giữ tại Công ty TNHH MTV đóng tàu Bạch Đằng (Công ty Đóng tàu Bạch Đằng) với các thông tin chi tiết cụ thể theo Chứng thư thẩm định giá số PTDD-2 ngày 11/3/2019 của Công ty cổ phần Thẩm định giá Vinacontrol.

Các tổng đoạn thân tàu 47.500DWT- HB02, HB03; tàu 12.500 DWT - BV12 có tổng khối lượng tôn sắt thép là: 325.110,7 kg sẽ được bán với giá khởi điểm là 7.033 đồng/kg, tổng giá khởi điểm là 2,286 tỷ đồng.

Trong số này, có những con tàu được Vinalines ký kết đóng mới với Công ty đóng tàu Hạ Long và Công ty Đóng tàu Bạch Đằng. Nhưng rồi những con này khi đang đóng dở, đã phải dừng triển khai do không đảm bảo hiệu quả.

img

Chủ trương giải quyết những còn tàu già để giảm lỗ ở khối vận tải biển đã được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện trong những năm gần đây. (Ảnh minh hoạ)

Còn theo kế hoạch, trong năm 2019, Vinalines dự kiến sẽ thanh lý, nhượng bán 11 tàu với tổng trọng tải khoảng 232.000 tấn. Trong đó, số tàu nhượng bán, thanh lý tại công ty mẹ là 3 tàu với tổng trọng tải 127.000 tấn, số tàu bán tại các công ty con là 8 tàu với tổng trọng tải là 105.000 tấn.

Dự kiến, giai đoạn 2019 - 2020, số tàu thanh lý, chuyển giao là 23 tàu với tổng trọng tải khoảng 500.000 tấn.

Lỗ luỹ kế Vinalines vượt mốc 3.600 tỷ đồng

Dù đã nỗ lực giảm lỗ, thanh lý tài sản không hiệu quả, song BCTC hợp nhất quý II/2019 của Vinalines vẫn cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp

Doanh thu hợp nhất của Vinalines trong quý II/2019 đạt hơn 5.562 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp, mảng vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm 2018. còn gần 2.971 tỷ đồng. Còn mảng khai thác cảng và dịch vụ cảng biển tăng hơn 15% lên gần 2.284 tỷ đồng.

img

BCTC hợp nhất quý II/2019 của Vinalines vẫn cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ)

Trong kỳ, Vinalines ghi nhận khoản chi phí tài chính cũng giảm 21%, xuống còn 348 tỷ đồng do đã giảm khoản chi phí lãi vay. Song chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Vinalines vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu chi phí, ghi nhận hơn 433 tỷ đồng trong quý 2/2019.

Ngoài ra, giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng lớn so với doanh thu song giảm mạnh so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp trong quý II năm nay của Vinalines đạt 768 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong khi thu nhập từ thanh lý tài sản cố định chỉ ở mức hơn 66 tỷ đồng thì Vinalines phải chi phí tới 442 tỷ đồng cho công tác này, tăng gấp 10 lần so với số chi cùng kỳ. Chi phí khác của Vinalines theo đó cũng tăng lên mức 456 tỷ đồng, gấp gần 7,5 lần cùng kỳ.

Trong báo cáo giải trình, Vinalines cho biết, chi phí khác tăng là do thực hiện thanh lý tài sản (bán tàu) và tiếp tục xử lý các tài sản hoạt động không hiệu quả theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến số lỗ sau thuế gần 424 tỷ đồng của tổng công ty này trong quý 2 vừa qua, lỗ ròng thuộc về công ty mẹ lên tới gần 496 tỷ đồng. Điều này kéo theo lỗ luỹ kế của Vinalines đến 30/6/2019 bị đẩy lên gần 3.641 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem