Gánh nặng tiền trường: Không tiền thì... nghỉ học

Chủ nhật, ngày 21/08/2011 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau ngày tựu trường, hơn 20 triệu học sinh phổ thông cả nước sẽ phải đóng tiền trường. Lo ngại học sinh “nợ” tiền trường, nhiều trường đã dùng biện pháp “rắn” đối với học sinh ngay từ đầu năm học.
Bình luận 0

Không tiền thì... nghỉ học

Mấy ngày qua, hàng trăm hộ dân ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh, (huyện Đăk Mil, Đăk Nông) phải chật vật lo các khoản đóng góp đầu năm học cho con em vào Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Thế nhưng, sau buổi tập trung hôm 15.8, nhiều học sinh không muốn đi học vì giáo viên “doạ” nếu không nộp các khoản đóng góp cho nhà trường, các em sẽ không được vào lớp.

img
Mẫu phiếu thu của trường Lê Hồng Phong (Cà Mau).

Chị Phạm Thị Nga - mẹ của em Trần Thị Mỹ Thiên, học sinh lớp 5B - cho biết: “Cô Trần Thị Chầm - là giáo viên chủ nhiệm của con tôi chỉ cho 6 em vào lớp, còn bé Thiên và 25 em khác phải ra ngoài vì chưa nộp tiền. Sau một lúc khá lâu, cô Chầm mới gọi những em này vào, nhưng bảo nếu hôm sau không nộp tiền thì không được vào”.

Theo phản ánh của các phụ huynh, trong ngày 15.8, hàng trăm học sinh các khối lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đã bị “mời” ra ngoài. Hôm sau (16.8), nhiều học sinh phải ở nhà vì chưa có tiền nộp cho nhà trường.

Chị Nga cho biết thêm, do trường thu rất nhiều khoản nên mọi năm chị nộp dần đến giữa năm học mới hết, không hiểu sao năm nay lại thu gộp một lần. Sợ con lại bị đuổi về, ngày 16.8, chị phải đi vay 300 nghìn đồng để cháu Thiên nộp cho cô giáo.

Cùng cảnh ngộ như Thiên, nhưng em Phan Quốc Toàn - học sinh lớp 5B - chỉ được bố mẹ đưa cho 100 nghìn đồng để nộp do gia cảnh khó khăn. Một phụ huynh khác phân trần: “Cả thôn đều làm cà phê, mùa này ai cũng phải mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê công làm cỏ... Nếu phải nộp một lần thì rất kẹt cho bà con”.

Thầy Lê Đình Hân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản - thừa nhận: “Nhà trường có chỉ đạo các thầy, cô giáo cho những em đã nộp tiền vào lớp trước, còn những em chưa nộp thì vào sau. Trường cũng không muốn làm thế, nhưng năm học trước mãi đến tháng 5 mới thu được 90% các khoản đóng góp, còn 10% thì không thu được. Mục đích là để nhắc nhở thôi, vì sau đó các cô cũng gọi vào hết, chứ không có em nào bị đuổi về”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản thu 8 khoản đóng góp của phụ huynh, trong đó có một số khoản lớn như xây dựng trường theo quy chế dân chủ trường 200 nghìn đồng, quy chế dân chủ xã 100 nghìn đồng, quỹ hoạt động của Ban đại diện phụ huynh 170 nghìn... Tổng cộng mỗi em phải đóng góp tới 800 nghìn đồng, nhiều gia đình có 2 - 3 con cùng học thì không khỏi... méo mặt.

Tận thu ngay đầu năm

Cùng sử dụng “biện pháp rắn”, Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 2 (Phú Tân, Cà Mau) không nhận học sinh nhập học khi chưa đóng tiền trường. Chị Nguyễn Thị Phương (24 tuổi) - ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, nói: “Ngày 15.8, tôi dẫn con là Nguyễn Tâm Như - lên lớp 2, vô trường gặp cô Ân (Phạm Hồng Ân - Hiệu trưởng) xin cho con nhập học. Nhưng cô Ân nói: “Chừng nào có tiền đóng thì vô, không cho học trước!”.

img
Chị Lê Thị Rớt (Phú Tân, Cà Mau) không có tiền để đưa con đến trường mà cũng không biết chữ để viết đơn xin miễn giảm.

Vợ chồng anh chị Kim Văn Hồng - Lê Thị Phụng là gia đình dân tộc Khmer - ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, có 3 con không được đến trường. Đó là cháu Kim Văn Đạt (14 tuổi) - học lớp 5, Kim Thị Tươi (10 tuổi) - lên lớp 2, Kim Thị Nhí (7 tuổi) - lên lớp 2, Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 2. Nguyên nhân chỉ vì chưa có tiền.

Cần chấm dứt tình trạng lạm thu

Bộ GDĐT vừa có công văn gửi giám đốc các sở GDĐT tỉnh, thành phố về việc chuẩn bị khai giảng năm học mới 2011-2012. Công văn yêu cầu lãnh đạo các sở chủ động tham mưu với lãnh đạo cấp tỉnh quyết định kế hoạch năm học 2011-2012; đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với thực tế của địa phương. Đặc biệt, công văn yêu cầu các sở cần hướng dẫn các khoản thu, chi trong nhà trường; chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục.

Điều đáng nói là nhà trường “tận thu” nhiều khoản tiền ngay từ đầu năm. Cầm 2 phiếu thu tiền, chị Nguyễn Thị Lành ngậm ngùi: “Đóng tiền trường, rồi sắm sửa cho con đi học đầu năm lên tới hơn 2 triệu đồng, gia đình tôi phải đi vay nợ”.

Con trai đầu lòng của chị Lành là Nguyễn Quốc Phẩm - vào lớp 6, Trường THCS Lê Hồng Phong, đóng góp hết các khoản mất 914 nghìn đồng. Còn con gái út của chị là Nguyễn Ngọc Liên - lên lớp 3, Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1, đóng 510 nghìn đồng. Với các khoản thu dồn dập ngay đầu năm học, cộng với mua quần áo, giày dép, sách vở, cặp sách… sẽ là số tiền không nhỏ không nhỏ đối với người dân nghèo.

Chị Lê Thị Phượng (43 tuổi) - ở khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, có sổ hộ nghèo nên được giảm 100 nghìn đồng, chỉ còn đóng… 730 nghìn đồng để cháu Lưu Thị Như Ý vào lớp 1, Trường Tiểu học Cái Đôi Vàm 1. Chị Phượng cho biết, nhiều gia đình phải cho con tạm ở nhà, chạy lo tiền xong mới tính chuyện đưa con đến trường.

Trao đổi về các khoản tiền trường và việc không cho học sinh tới lớp khi chưa đóng tiền, cô Ân nói: “Chúng tôi làm không sai! Có sự chỉ đạo Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm”. Hỏi ông Trương Hoàng Khải - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, ông Khải lại nói nước đôi: “Tôi không biết việc này. Chuẩn bị năm học, các trường trên địa bàn có tờ trình các khoản thu. Nếu bà con không khả năng, các em học sinh chưa đến trường thì sẽ xem xét, giảm miễn, để học sinh đến trường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem