Có thể thấy, thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2018 khá lạc quan, theo ông, đâu là lý do chính giúp xuất khẩu khởi sắc?
Đúng là so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 có sự khởi sắc với sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Chưa bao giờ gạo Việt lại được đón nhận đến thế.
Sở dĩ thị trường xuất khẩu lúa gạo những tháng đầu năm 2018 khá thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu gạo ở một số nước tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc tiêu thụ tới 140 triệu tấn lúa gạo, đây là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Đặc biệt, sản phẩm gạo nếp của Việt Nam gần như độc quyền tại thị trường Trung Quốc. Tiêu thụ gạo nếp của Trung Quốc tăng lên trong vài năm trở lại đây, năm 2016, xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 1,3 triệu tấn, năm 2017 đạt 2 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có một vụ lúa đông xuân 2017- 2018 khá thắng lợi, cả về sản lượng và cơ cấu giống, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ xuất khẩu. Chỉ tính riêng tại khu vực Nam Bộ, tổng diện tích xuống giống toàn vùng vụ đông xuân 2017-2018 là hơn 1,6 triệu hecta, tăng 58.256ha so vụ trước, năng suất ước đạt 66,59 tạ/ha, tăng 4,54 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 11,1 triệu tấn, tăng hơn một triệu tấn so với vụ đông xuân 2016–2017.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu giống lúa từ phẩm cấp thấp sang chất lượng cao có phải là động lực để tăng trưởng xuất khẩu không, thưa ông?
Đúng là quá trình chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu giống lúa từ phẩm cấp thấp sang lúa chất lượng cao đã làm thay đổi cục diện xuất khẩu, giúp hạt gạo Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ngay từ đầu vụ đông xuân 2017 – 2018, Cục Trồng trọt và các ngành, địa phương đã chỉ đạo việc áp dụng cơ cấu giống rất sát với yêu cầu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản đã chiếm phần lớn trong cơ cấu giống (31 – 32%), gạo chất lượng cao chiếm 32%, gạo nếp 9 – 10%, gạo trung bình còn khoảng 17% và các loại gạo khác.
Việc chuyển đổi này ngay lập tức đã cho thấy kết quả, góp phần giúp gia tăng giá trị của gạo xuất khẩu Việt Nam trong thời gian qua, thậm chí trong cùng một chủng loại gạo chất lượng cao, giá gạo Việt đã cao hơn gạo Thái 15-20 USD/tấn. Đây là điều rất đáng mừng, cho thấy quá trình cơ cấu lại ngành lúa gạo đã đi đúng hướng.
Có một điểm mới rất đang ghi nhận là, đã có nhiều mô hình liên kết trồng lúa giữa doanh nghiệp và nông dân mang lại thành công, tạo ra chuỗi sản xuất khép kín. Có thể lấy ví dụ về mô hình liên kết trồng giống lúa Nhật đang được triển khai ở nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiệu quả được thể hiện trên nhiều mặt, cả về kinh tế (đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, nông dân) và môi trường khi quy trình canh tác theo tiêu chuẩn an toàn, hạn chế dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông, cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL nên phát triển theo hướng nào để vừa đảm bảo xuất khẩu vừa thích ứng với biến đổi khí hậu?
Cục Trồng trọt và các ngành chức năng đã có khuyến cáo về cơ cấu giống lúa hàng vụ ở ĐBSCL, trên cơ sở dự báo cho nhu cầu xuất khẩu theo khuyến cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đồng thời tiếp tục sử dụng các giống có khả năng chống chịu tốt với hạn, mặn, ngập để thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số vùng sinh thái.
Ngành lúa gạo cũng đang được tái cơ cấu, trong đó chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc mục đích khác. Đồng thời, tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.