Người dân TP.HCM đang ùn ùn săn đặc sản ăn Tết. Càng gần Tết, nhu cầu mua đặc sản để sử dụng và biếu tặng càng tăng cao.
Bán hàng trăm tấn đặc sản Tết
Sáng 5/2, tức 26 tháng Chạp, 5 - 6 nhân viên chi nhánh cửa hàng gạo Phương Nam trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 làm hết công suất. Đây là cửa hàng phân phối gạo ST25 Ông Cua nổi tiếng tại TP.HCM.
Bên trong cửa hàng, người thì luôn tay nghe điện thoại nhận đặt hàng, người kiểm tra đơn trên hệ thống. Tại khu vực kho, các nhân viên liên tục ra vào vận chuyển gạo ST25 chuẩn bị giao cho khách.
Gạo ST25 Ông Cua hộp 2kg loại biếu tặng nhiều thời điểm khách mua không có vì "cháy hàng". Ảnh: Hồng Phúc
Ông Đinh Quang Thành - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Lương thực Phương Nam, cho biết nhu cầu gạo ST25 tăng vọt trước Tết, thậm chí tăng hơn cả dự đoán của ông về thị trường gạo đặc sản Tết năm nay. Tổng sản lượng gạo ST25 cung cấp trong 2 tháng Tết tại doanh nghiệp này lên đến 600 tấn.
“Nhu cầu gạo ST25 Ông Cua làm quà biếu tặng tăng vọt, nhất là với hộp gạo 2kg. Gạo từ Sóc Trăng đưa lên ngày nào là hết ngày đó, nhiều hôm, khách đến vào cuối ngày là ‘cháy hàng’ không có để bán. Hiện với hộp gạo 2kg, cửa hàng chỉ còn lại một số lượng giới hạn để giao cho khách đến 28 Tết, phía nhà máy báo đã rất cận Tết nên không lên hàng nữa”, ông Thành nói với Dân Việt.
Hộp gạo 2kg có bao bì đẹp, phù hợp làm quà tặng. Mỗi hộp gạo ST25 Ông Cua loại lúa tôm có giá 96.000 đồng/hộp. Hộp gạo ST25 hữu cơ 2kg 160.000 đồng/hộp. Dù đắt hơn nhiều các loại khác trên thị trường nhưng vẫn bán chạy.
Theo ông Thành, việc gạo ST25 Ông Cua tiếp tục giành giải Nhất cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2023 giúp cửa hàng có thêm rất nhiều khách lẻ. Lượng khách lẻ tăng đột biến này bù đắp cho các đơn hàng của khách quen có xu hướng giảm sản lượng đặt vào năm nay.
Ông Cao Đức Tâm - Giám đốc Công ty XNK Thực phẩm ABZ, huyện Bình Chánh, cho biết 1.500 bộ hộp quà OCOP TP.HCM (sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại TP.HCM) đã “cháy hàng” khoảng 1 tuần nay.
Bộ quà tặng được giới thiệu là đặc sản “5 trong 1” của TP.HCM, gồm 5 sản phẩm OCOP đại diện cho 5 huyện ngoại thành của thành phố, gồm rượu sâm đinh lăng OCOP 3 sao của huyện Bình Chánh, bột rau má uống liền Orama đạt OCOP 4 sao huyện Củ Chi, cà phê nông sản Meet More đạt OCOP 4 sao huyện Hóc Môn, mật dừa nước hữu cơ Vietnipa OCOP 4 sao huyện Cần Giờ và đông trùng hạ thảo OCOP huyện Nhà Bè.
“Chúng tôi rất vui khi năm đầu tiên những người làm OCOP kết nối với nhau làm bộ quà tặng và được đón nhận tốt như vậy. Năm sau, chúng tôi sẽ ra mắt nhiều bộ quà tặng hơn với nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng cũng như các đơn vị”, ông Tâm nói với Dân Việt.
Nhu cầu đặc sản Tết tăng cao
Ông Lê Nguyên Hùng - chủ cơ sở nem Bà Chín nổi tiếng tại TP.Thủ Đức, cho biết qua Rằm tháng Chạp, nhu cầu đặt nem tăng vọt so với trước đó. Sản lượng nem tại cơ sở này cung cấp ra thị trường tăng gấp 5 lần ngày thường với 5.000 - 7.000 chiếc nem, nem nướng phải lên đến 200 - 300kg.
“Ngoài cung cấp tại các chợ TP.HCM, nem của chúng tôi còn đi Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu và khắp các tỉnh phía Nam. Khách mua nem không chỉ để dùng mà còn làm quà tặng”, ông Hùng nói.
Tại TP.HCM, nhiều phiên chợ đặc sản cũng đang ráo riết triển khai và thu hút đông đảo người dân mua sắm Tết. Phiên chợ Tết Xanh - Quà Việt kéo dài đến ngày 6/2 tại quận 3, quy tụ một loạt đặc sản 3 miền, như bánh chưng Phú Thọ, miến dong Tây Bắc, nem chua Thanh Hóa, chả bò Đà Nẵng, bánh tét Trà Cuôn… Đây đều là những đặc sản được lựa chọn mua nhiều dịp Tết.
Ông Nguyễn Thành Nhân - chủ thương hiệu Bánh chưng Đất Tổ (Phú Thọ), cho biết công ty đưa ra thị trường khoảng 1.000 cái bánh chưng mỗi ngày dịp Tết. Bánh chưng mặn 140.000 đồng/cái loại 1kg, Hộp quà tặng 310.000 đồng gồm 2 cái.
Theo ông Nhân, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, lượng hàng ra thị trường tăng gần 20% so với năm trước nhờ nhiều nỗ lực về đa dạng kênh bán hàng từ trực tiếp, hội chợ đến các xu hướng mua sắm mới như thông qua kênh trực tuyến, sàn thương mại điện tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.