Chị bán tạp hóa đầu thôn chỉ đường cho tôi xong liền níu tay lại hỏi: "Bà Tùng lại viết đơn xin làm Chủ tịch huyện nữa hay sao mà nhà báo phải lặn lội về tận thôn tôi?".
Mượn ghế lãnh đạo xử án
Chuyện xảy ra cách đây đã gần 10 năm nhưng mỗi lần có người lạ đến hỏi nhà bà Tùng là người dân trong thôn Đình Tổ lại được một phen ôn lại "chuyện xưa tích cũ".
Ngày 1 - 8 - 2001, người phụ nữ nông dân chất phác này đã làm chấn động cả vùng quê vốn dĩ quanh năm chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho giời" bằng một lá đơn viết tay có một không hai gửi UBND huyện Quốc Oai đề nghị mượn ghế Chủ tịch UBND huyện.
Trong lá đơn lạ lùng đó, bà Tùng ghi rõ, chỉ mượn ghế của ông Chủ tịch UBND huyện trong vòng 2 tháng để giải quyết những đơn thư khiếu nại của người dân đang còn tồn đọng và không cần nhận bất cứ một đồng lương nào. Ngay sau khi xong việc, bà sẽ trao trả lại ghế "quan". Thời điểm đó nhiều người bảo bà điên vì tự cổ chí kim làm gì có chuyện "hoang đường" đến thế.
Gần 10 năm trôi qua, người phụ nữ nông dân táo bạo, hăng hái năm xưa chẳng có gì thay đổi nhiều ngoài những nếp nhăn dày thêm nơi khóe mắt.
Gợi lại chuyện cũ, bà Tùng ngập ngừng một lúc rồi chia sẻ:
"Lá đơn xin làm Chủ tịch huyện của tôi thực sự xuất phát từ một suy nghĩ bất chợt nảy ra khi tôi thấy nhiều người dân bị oan ức rành rành nhưng nộp đơn mãi mà không được chính quyền quan tâm giải quyết. Những sự việc đó tôi được chứng kiến rõ ràng, biết ai đúng ai sai, nếu để tôi giải quyết chỉ trong một buổi là có thể làm rõ đen trắng phân minh. Trong khi đó người dân đội đơn đi kêu đến 3- 4 năm trời mà chẳng ai nghe thấu.
Nghĩ sao làm vậy, tôi đi mượn người ta quyển Luật Bầu cử về đọc. Sau khi nắm rõ những vấn đề liên quan, tôi đã mạnh dạn làm đơn gửi lên thường vụ Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Quốc Oai. Thế nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy hồi âm".
Ước vọng không thành
Lá đơn xin làm Chủ tịch huyện của tôi thực sự xuất phát từ một suy nghĩ bất chợt nảy ra khi tôi thấy nhiều người dân bị oan ức rành rành nhưng nộp đơn mãi mà không được chính quyền quan tâm giải quyết.
Bà Phùng Thị Tùng - thôn Đình Tổ (Quốc Oai, Hà Nội)
Đang nói, giọng bà Tùng chợt trầm xuống:
"Kiên trì đấu tranh, tôi cũng có ít nhiều thành công. Vụ việc cán bộ thị trấn Quốc Oai bán trái phép 22 suất đất ở cổng bệnh viện huyện đã được cấp trên xử lý, khắc phục. Thế nhưng, những suất đất người dân chúng tôi đấu tranh giành lại được cho huyện, cho thị trấn thì giờ họ bán xong chẳng biết số tiền mấy tỉ họ làm gì và để ở đâu.
Người dân chúng tôi đã nhiều lần có đơn gửi lên đề nghị UBND thị trấn công khai số tiền trên và đề nghị hỗ trợ xây dựng trường học cho các cháu học sinh ở địa phương nhưng đều không được đáp ứng.
Ngày ông nhà tôi còn sống, có kẻ xấu còn cho ông ấy uống rượu rồi xúi bẩy đánh tôi thâm tím hết mặt mày. Về sau, chồng tôi cũng hiểu ra và thông cảm cho công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" của tôi. 4 người con của tôi đều đã trưởng thành, chúng không phản đối công việc tôi làm mà chỉ nói là không muốn "va chạm".
Tôi bảo con tôi cứ sản xuất và kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, đóng thuế đầy đủ thì chẳng có việc gì phải lo lắng cả".
Cùng năm 2001, bà Tùng cùng với hàng trăm người dân thị trấn Quốc Oai đã 2 lần được gặp Chủ tịch Quốc hội lúc đó là đồng chí Nông Đức Mạnh để đưa đơn và trình bày những bức xúc về tiêu cực tại địa phương. Trước sự công kích của những kẻ xấu, bà bình thản:
"Tôi chỉ quen làm ruộng, chẳng có tài cán gì để mà hy vọng có danh có phận. Đơn giản tôi chỉ nghĩ, Đảng và Nhà nước đã ban hành đủ các loại luật rồi. Cứ mang luật mà chiếu rọi vào các sự việc tiêu cực thì sẽ thấy ngay những sai phạm của những người có chức có quyền mà tư lợi cá nhân”.
Bà Tùng cho biết thêm, gần 10 năm qua, sau sự kiện gửi đơn mượn ghế "quan", bà cũng như gia đình không gặp bất cứ "áp lực" nào từ chính quyền địa phương. Tuy nhiên, lâu nay bà không tham gia đấu tranh chống tiêu cực như trước vì đôi khi bà cảm thấy mệt mỏi.
Khi tôi hỏi bây giờ bà còn muốn viết đơn mượn ghế Chủ tịch UBND huyện nữa không thì bà Tùng lắc đầu:
"Biết điều đó chẳng thể trở thành sự thật thì mong muốn làm gì nữa. Tôi đã bị mang tiếng là người kiện nhiều rồi nên cũng chẳng muốn ồn ào thêm. Mong muốn cuối cùng bây giờ của tôi là làm sao có được một hiệp hội dành cho những người chuyên đấu tranh chống tiêu cực để họ được bảo vệ, được quan tâm và làm được nhiều hơn những gì tôi đã làm trong cuộc đời đấu tranh của mình".
Nguyễn Thắng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.