Chương trình Bác sĩ Nông học do Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ NNPTNT) phối hợp Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tổ chức.
Rủ nhau đi gặp“bác sĩ”
Trong tháng 10, Chương trình Bác sĩ Nông học đã đến với bà con nông dân ở Mộc Châu (Sơn La), Cao Phong (Hoà Bình), Tiền Hải (Thái Bình). Tại thị trấn Mộc Châu, ngay từ sáng sớm hàng trăm nông dân đã tụ tập ở hội trường háo hức chờ đợi các thành viên của Chương trình Bác sĩ Nông học tư vấn. Đây là chương trình mới, bà con đã tự khắc nghỉ một buổi làm, bảo nhau đến tham gia vì có thể gặp được các chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng như TS Tống Khiêm - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, chuyên gia về lĩnh vực trồng trọt – bảo vệ thực vật, TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, chuyên về lĩnh vực thổ nhưỡng, nông hóa; các chuyên gia phân bón đến từ Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí…
Các chuyên gia trong chương trình trả lời câu hỏi của người nông dân. Ảnh: V.P
Không giấu được sự háo hức, ông Cao Văn Tấn - nông dân ở thị trấn Mộc Châu chia sẻ: “Bà con nông dân chúng tôi không chỉ thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm mà còn “đói” khoa học kỹ thuật, trong khi nông nghiệp là lĩnh vực luôn gặp nhiều rủi ro. Năm ngoái, tôi cũng chăm sóc, canh tác rau màu như thế nhưng không bị sâu bệnh gì, nhưng năm nay sâu bệnh lại tấn công rất nhiều, nếu không tìm hiểu để có biện pháp chữa trị kịp thời thì cầm chắc lỗ vốn. Bây giờ được các nhà khoa học đầu ngành về tận nơi như thế này, chúng tôi mừng lắm”.
Đến buổi hội thảo - tư vấn này, ông Tấn muốn các nhà khoa học bày cách trị bệnh cho cây cà chua. Ông Tấn cho hay: “Nhà tôi trồng cà chua, nhưng khi gần thu hoạch thì cây lại bị vàng lá, hoặc héo rũ. Mới trồng cà chua được vài vụ nên gia đình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, trị bệnh, vì thế rất mong được các nhà khoa học chỉ dẫn cụ thể”.
Trả lời thắc mắc của ông Tấn, TS Ngô Vĩnh Viễn cho biết, cà chua là cây dễ trồng, nhưng trong điều kiện nóng và ẩm nhiều ở nước ta, cà chua rất dễ mắc nhiều bệnh như héo xanh, virus… Với những dấu hiệu như ông Tấn nói, có thể cây cà chua bị bệnh héo xanh, nguyên nhân do vi khuẩn gây nên. Bệnh héo xanh không thể chữa trị được khi cây đã bị nhiễm virus, do đó bà con lưu ý không nên phun thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với bệnh này chỉ có thể phòng ngừa như sau: Cần lên luống cao để nước mưa không bị đọng lại trong ruộng; ở vùng đồng bằng, sau một vụ cà chua bà con nên trồng luân canh với lúa nước. Sử dụng giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh hoặc có thể dùng cây giống ghép trên gốc cà tím, kết hợp bón phân hữu cơ để giúp đất giữ được nước, phân bón và các loại vi khuẩn có ích chống lại vi khuẩn gây bệnh héo xanh. “Đặc biệt, bà con nên chú ý kiểm tra thường xuyên và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh đem tiêu hủy để tránh gây lây lan. Sau khi nhổ thì bỏ vôi bột vào nơi vừa nhổ để khử trùng đất” – ông Viễn nhấn mạnh.
Với câu hỏi làm thế nào để tác động cho cây mận ra hoa sớm hơn của một nông dân khác, ông Viễn cho biết, mận là cây trồng ôn đới nên cần có không khí lạnh để phân hóa được mầm hoa. Vì vậy, nếu thời tiết nóng, bà con có thể sử dụng cách tản lá (giảm thiểu độ rộng của bộ lá) bằng cách vặt bớt lá cây thủ công. Một số nơi sử dụng thuốc trừ cỏ để làm rụng lá, nhưng chúng tôi không khuyến khích cách này bởi nó sẽ ảnh hưởng tới đất và các loại cây trồng khác, nếu có.
“Kênh” giao tiếp độc đáo
Bác sĩ Nông học là chuỗi chương trình mang tính thiết thực, thời sự, tương tác giữa 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà nông – doanh nghiệp), gồm các hoạt động chính là khảo sát thực địa đồng ruộng; lấy mẫu để phân tích và hội thảo khoa học, với sự tham gia của người dân địa phương để cùng tìm giải pháp thực tiễn cho các vấn đề trong canh tác nông nghiệp.
|
Các chương trình Bác sĩ Nông học chỉ diễn ra trong một buổi với thời lượng khoảng 4 giờ, tuy nhiên các nhà khoa học, chuyên gia vẫn cố gắng trả lời từng câu hỏi của bà con.
Với hàng loạt các câu hỏi liên quan tới cây trồng như chăm sóc cây bơ như thế nào, làm đất ra sao; cách trị các bệnh thường gặp ở cây chuối tiêu hồng như thế nào..., các chuyên gia đã giải đáp rất cặn kẽ, chi tiết không chỉ cho người đặt ra câu hỏi mà cũng là cho cả hơn 400 nông dân tham gia chương trình.
Đơn cử như cách trừ mối cho cây đào, ông Viễn cho biết: “Việc trừ mối không khó, nhưng bà con phải lưu ý thường xuyên quan sát cây để nắm bắt sớm tình hình. Nếu thấy các mùn đất trên thân cây thì sử dụng thuốc trừ mối ngay lập tức, chứ để mối leo lên khoảng 1,5m hoặc các ụ mối đã có xung quanh cây rồi thì rất khó để trừ tận gốc”.
TS Tống Khiêm chia sẻ thêm: “Ngoài việc trả lời trực tiếp, chúng tôi sẽ coi chương trình như là một kênh giao tiếp thường xuyên giữa các nhà khoa học và người nông dân. Vì vậy bất cứ lúc nào bà con cũng có thể gửi câu hỏi qua email của chương trình hoặc gọi điện trực tiếp cho chúng tôi để được giải đáp, tư vấn cụ thể”.
Đi qua tỉnh nào, chương trình Bác sĩ Nông học cũng nhận được sự tham gia hào hứng của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Yến - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho hay: “Chúng tôi tổ chức Chương trình Bác sĩ Nông học là nhằm tạo một diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa người nông dân và các nhà khoa học để chia sẻ các kiến thức cần thiết về nông nghiệp một cách thiết thực, nhanh chóng nhất. Ngoài ra, đây cũng là dịp để bà con gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.