Gặp hậu duệ của gia đình 8 đời làm nhà gỗ cổ

Thứ hai, ngày 03/06/2013 06:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ông làm nhà cổ mực thước cất theo 4 cung tài, nghĩa, quan, bản thì rất tốt, ngược lại nếu làm nhà phạm phải 4 cung ly, bệnh, tiết, hại thì gia chủ thường gặp phải những rủi ro, éo le trong cuộc sống.
Bình luận 0

Thời nay, khi mà không ít người dành thời gian bươn chải để chớp lấy thời cơ, vận hội toan tính cho sự sang giàu thì ở một làng nghề của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn còn có người dành cả cuộc đời để giữ lấy nghề. Ông là nghệ nhân làm nhà gỗ cổ Trần Văn Ca.

8 đời làm nhà gỗ cổ

Nghệ nhân Trần Văn Ca, 61 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xã Thủy Triều, một làng quê đã có 400 năm truyền đời làm nghề nhà gỗ theo kiến trúc cổ. Đã có một thời khá dài để đua với mốt, người ta đem bán nhà gỗ, nhà cột cổ xưa hoặc đổi cả công trình văn hóa hội họa độc đáo để xây nhà ống, nhà mái bằng. Đó cũng là lúc làng nghề của ông phải đối mặt với sự tồn vong.

Song là người giàu đam mê và nặng lòng với nghề, ông luôn trăn trở tìm tòi những cái mới để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn mang được hồn cốt độc đáo mang đậm nét cũ dáng xưa. Theo ông Ca, làm nghề mộc thì nhiều người làm được, song để làm được những ngôi nhà gỗ vừa cổ vừa hiện đại nhất thiết phải có những người thợ giỏi nghề. Đạt được điều này người thợ thực sự phải có tài có tâm.

img
Ông Ca dạy nghề cho thợ tại xưởng.

Ông Ca cho biết: "Gia đình tôi là gia đình có nghề truyền thống rất lâu đời, đến đời tôi là hậu duệ thứ 8 làm nghề này rồi. Để có được những ngôi nhà gỗ độc đáo mang tính để đời đối với ông là cả những năm tháng trải nghiệm qua từng đường cưa nét đục và không ít đêm suy tư trằn trọc bên thước Lỗ Ban.

Theo ông làm nhà cổ mực thước cất theo 4 cung tài, nghĩa, quan, bản thì rất tốt, ngược lại nếu làm nhà phạm phải 4 cung ly, bệnh, tiết, hại thì gia chủ thường gặp phải những rủi ro, éo le trong cuộc sống. Điều này đã được kiểm nghiệm từ ngàn đời nay, được lưu truyền kinh nghiệm như những điều kiêng kị với nghề mộc.

Dành cả đời để giữ nghề, truyền nghề

Gần 50 năm đam mê nghề làm nhà gỗ cổ, với bao khát khao giữ lửa cho làng nghề đến nay đã có hàng trăm công trình lớn nhỏ được tạo dựng dưới đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng của nghệ nhân Ca. Chả thế mà không ít người ở những nơi xa, thị thành, miền Bắc miền Trung tìm đến ông để cốt đặt cho được những ngôi nhà để vừa là nơi ở, vừa là nơi thờ cúng cha ông, dòng họ, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi khuyến học khuyến tài...

Ông Lê Văn Bẩy, thôn Bắc Vang, xã Tân Dương tấm tắc: “Đi xem mấy chục nhà gỗ nhưng khi gặp nhà ông Ca, tôi mới ưng. Bởi tôi cũng có hiểu biết không ít về kiến trúc nhà gỗ”.

Anh Lương Văn Bình, ở phường Đằng Hải, quận Hải An cho biết lúc đầu ý định xây nhà biệt thự nhưng khi thấy nhà gỗ ông Ca làm đẹp, đã quyết nhờ ông dựng nhà gỗ để thờ cúng cha ông.

Học nghề phải có tâm, cái tâm có trong sáng thì người thợ mới thổi hồn vào từng đường cưa nét đục”

Gần 50 năm làm nghề gỗ, ngoài những lo toan, trăn trở cải tiến, nâng cao chất lượng cho mỗi ngôi nhà thì điều làm ông Ca day dứt hơn cả là phải làm gì để giữ lấy nghề truyền thống của cha ông trước nguy cơ thất truyền.

Để giữ lửa cho làng nghề, trong những năm gần đây ông Ca đã dành khá nhiều thời gian công sức cho việc đào tạo nghề, truyền nghề. Không có trường lớp, không có bàn không có ghế, bài giảng không phải là những trang giáo án mà cách dạy không nặng nề theo kiểu giáo giảng, đơn giản chỉ là cách truyền nghề theo lối cầm tay chỉ việc, hoặc đơn giản là những lúc nghỉ ngơi sau những giờ làm thông qua những câu chuyện về nghệ thuật, kiến trúc...

Chính vì vậy nhiều năm nay, cơ sở mộc của ông Ca đã trở thành nơi đào tạo, truyền nghề cho nhiều thế hệ làm nghề mộc. Ông Ca cho biết: "Hiện, đội ngũ lao động của xưởng khoảng gần trăm người và đều có trình độ nhất định từ thợ học việc đến thợ giỏi. Lương tháng bình quân của mỗi thợ là 10 triệu đồng". Nhìn những gương mặt của những người thợ, nhìn những đôi bàn tay tài hoa thể hiện qua đường xoay, nét chạm sống động trong từng ngôi nhà, ta có thể cảm nhận được sự ấm áp, thanh bình và thịnh vượng theo thời gian của những ngôi nhà ấy. Có lẽ chỉ có những nghệ nhân dành cả đời tâm huyết với nghề mới thực sự làm nên những vẻ đẹp kiến trúc khó mai mờ ấy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem