Gặp lại "Mẹ của Khăm Bun"

Thứ bảy, ngày 13/08/2011 06:49 AM (GMT+7)
Gặp lại người đã chăm sóc Khăm Bun sau một năm chú voi con đáng yêu qua đời. Và một câu hỏi cần đặt ra: Có nên tiếp tục bắt động vật biểu diễn mua vui cho người- nhất là trong điều kiện Việt Nam?
Bình luận 0

“Vì tôi mà Khăm Bun chết”

“Một năm ngày mất của Khăm Bun, xin gửi đến báo Tiền Phong lời cảm ơn chân thành, cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ với tôi về chú voi con xinh đẹp bị chết oan”- thư của chị Nguyễn Thị Thanh Hà bắt đầu như vậy.

img
Mẹ Hà và con Bun năm 2009: Cân đối, đầu tròn, vai nở, lưng cong, cằm đẹp, giá đuôi dài thêm 25 phân thì hoàn hảo .

“Một năm qua tôi sống trong đau khổ, ân hận, xót xa. Tại tôi mà Khăm Bun chết. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội cứu Khăm Bun. Cuộc điện thoại đầu tiên tôi nhận được từ Văn phòng Chính phủ vào năm kia, người đàn ông nói giọng ân cần: Chúng tôi quan tâm số phận con voi, sẽ dặn người ta chữa chạy cho nó. Chị còn chuyện gì nữa không? Cần gì chúng tôi sẽ can thiệp. Tôi muốn nói ra sự thật, những gì Khăm Bun và những con thú khác phải chịu. Nhưng tôi sợ sẽ không được chăm Bun nữa, trước đó đã bị gây khó dễ rồi.

Bun chết, Đăng- bác sĩ Liên đoàn Xiếc (LĐX) nói: Cả LĐX yêu thương Khăm Bun. Sự thật là: Không ai quan tâm đến nó. Họ xích nó vào chuồng sắt không cho đi lại, chuồng trại bẩn thỉu, chân đau giẫm lên phân. Từ vết thương nhẹ một chân thành hai chân hoại tử. Khăm Bun- “voi đẹp có ngà” gần nghìn cân chỉ còn là bộ da xếp gọn gàng trong Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Có hôm (sau khi Bun chết) tôi lang thang giữa trời mưa, một cô bé chừng 10 tuổi tới đưa áo mưa: “Bác mặc vào khỏi ướt. Bác là mẹ của Khăm Bun”. Các cháu thiếu nhi ơi, mỗi lần xem voi diễn, các cháu vỗ tay reo hò thì đằng sau sân khấu, hai nghệ sĩ Na và Nu bị người chăn voi đập búa vào đầu, cây đồng sắt mài nhọn đâm vào họng. Họ làm thế để nó chịu vâng lời! Chúng nó bước ra sân khấu mà nước mắt lưng tròng.

Có lần tôi kêu xin với ông Tạ Duy Nhẫn trưởng đoàn xiếc thú và bác sĩ Đăng rằng đừng đánh voi, nhưng họ làm ngơ. Thú ở LĐX chết quá nhiều, riêng voi 5 con, con Bê bằng tuổi Bun, đi diễn xa về mệt quá lăn ra chết. Con khác bị bỏng gây nhiễm trùng ở mặt, không được cứu chữa. Trời rét, người chăn voi đốt củi sưởi vô ý làm bỏng mặt nó. Những cái chết thương tâm nhưng ai chịu trách nhiệm.

Ngày 11.8 năm ngoái là ngày cuối của Khăm Bun, nó chỉ còn là bộ xương, mắt sáng quắc nhìn tôi cầu cứu, ngà nghếch lên thành sắt vì nếu không sẽ đổ sập. Nó lấy hết sức tàn quờ quạng vòi, hít hà mặt tôi như từ biệt.

Hàng năm trời chăm Khăm Bun, vất vả nhưng tôi được nhiều người biết mặt biết tên. Hai ông chủ đầm cá hồ Đền Lừ là ông Còi và anh Hùng mỗi lần tát cá lại gửi hàng yến cá ngon, nói Chị ăn cho khỏe lấy sức chăm voi. Thỉnh thoảng có cô gái xinh xắn nhưng cặp mắt dài dại đứng đút trái cây cho voi.

Hỏi không trả lời, thì ra cô bị câm, và điên. Cô yêu lũ voi lắm, nhặt nhạnh thức ăn ở quán karaoke đem cho chúng, thèm thuồng nhìn tôi cho Bun ăn. Có hôm xông sang chuồng ngựa ôm mấy bó cỏ về đãi voi, bị bảo vệ đuổi đánh…”.

Những “bi kịch khỉ”

Kể từ khi biết chị Hà 2 năm qua, chẳng lần nào nói đến con voi con mà chị không giọt vắn giọt dài. Câu chuyện của người phụ nữ lao động trải đời, ngồn ngộn chi tiết: Dạo đầu về rạp xiếc, không chỉ Bun mà những con thú khác đều đói, đến nỗi có lần sổng chuồng lang thang phá phách khu tập thể LĐX, mò vào nhà dân đập cửa cuốn, quơ nải chuối trên bàn thờ.

Chị Hà cho voi ăn bánh mì, ăn cơm nóng, nịnh nọt khúm núm với quản tượng, với bác sĩ thú y; quà cáp, sắm điện thoại để có việc thì họ cấp báo chị. Nó là con tôi, muốn nó sướng thì tôi phải tốt với mọi người. Chị kêu nài nhân viên tổ voi Tiến ơi mày có biết con Bun sắp chết không mà cứ đi chơi games suốt thế.

Còn nhớ lần gặp chị Thư đang cho Bun ăn mía. Chị Thư là người theo bước chị Hà, chăm Bun vào các buổi trưa suốt 7 tháng trời. Nghe tôi tự giới thiệu, chị lấm lét nhìn quanh, suỵt suỵt bảo đừng lại gần và chuyện trò gì cả. Tôi cứ phải nói vống qua mấy thân hình voi với mùi bãi thải rất “được”.

Người ta cho chị ở đây với điều kiện cấm “lắm chuyện”. Tôi hỏi chị Hà: “Chị Thư gọi Bun bằng gì, vì chị đã là mẹ của Khăm Bun?” “Cô ấy nói trống không với nó”. Tôi lại đùa “Vậy gọi chị Thư là dì của Khăm Bun”.

Hôm nay, chị Hà khoe những bài thơ người ta viết tặng Khăm Bun và chị. “Một vòng hoa trắng dựa tường/Mẹ Hà chắc hẳn khóc thương đau buồn/Sống giam cầm cảnh cô đơn/Chết mày vui được về buôn về rừng”. (Vòng hoa “mẹ” Hà viếng con Bun ngày 11.8 năm ngoái là vòng hoa trắng- PV). Có bài dựa ý thơ Thế Lữ: Một mai đâu nữa rừng thiêng/Tiếng muông thú khóc- bão nghiêng, lũ tràn.

Hồi còn nhỏ, có họ hàng là nghệ sĩ xiếc, tôi thường xuyên đi xem ở rạp Trần Nhân Tông, nhớ tiết mục voi thường sau giờ giải lao, có chăng dây bảo vệ. Mỗi khi lưới bắt đầu chăng lại cảm thấy ái ngại. Trong khi xiếc khỉ đạo cụ gọn nhẹ, bọn khỉ có nhiều trò dễ cười thì voi gây ấn tượng chủ yếu ở vẻ hiền lành đáng yêu. Và tuy khổng lồ nhưng nom tội nghiệp, lạc lõng với khung cảnh. Nếu biết người ta phải dùng biện pháp mạnh, đánh đập tàn tệ để có được những trò đó, còn mất hứng đến đâu.

Câu chuyện về cô gái câm- điên lượm đồ ăn thừa, trộm cỏ ngựa “tắc tế” cho voi khiến tôi không thể không liên tưởng Bi kịch con khỉ của Bảo Ninh- một truyện ngắn cực kỳ ấn tượng.

Anh Bảo Ninh viết về chú khỉ trong vườn bách thú ban đầu có cuộc sống không đến nỗi: “Thiên hạ vui thích ném quà cho nó, khoái chí xem nó phô diễn những trò con khỉ. Khỉ ta dẫu dư thừa thức ăn, trở nên trơn lông đỏ da, nhưng không vì thế mà chây ỳ, vẫn nhiệt tâm phục vụ, tận tâm múa may nhảy nhót… Nhưng hạnh phúc ngắn ngủi, ngày vui chóng tàn, thiên hạ dần chán ngấy con khỉ.

Loài khỉ có bao nhiêu trò nhố nhăng thì nó đã diễn cho người ta xem tất cả rồi. Bây giờ đến lượt con người giở trò với nó. Thoạt đầu chỉ là do hờ hững mà người ta quên cho nó ăn, nhưng về sau thì là một sự bỏ đói cố tình. Bây giờ chỉ có vỏ chuối, lõi ngô với giấy kẹo, lá bánh và nước bọt xả qua song sắt. Không ai thực sự là người chủ xướng trò mới mẻ này, bởi vì đây chính cống là một cuộc hành lạc tập thể. Mọi người đều cực kỳ háo hức chờ xem con vật bị bạc đãi sẽ rũ xuống ra sao…

Nó chỉ nhận được những món quà phi hữu cơ, tuyệt đối không tài nào xực nổi: Mẩu xà phòng, cục nhựa đường, đầu mẩu thuốc lá... Cố nhiên, khỉ rũ rượi ngay, trở nên xấu xí, chậm chạp, lờ đờ, kiệt quệ. Nhưng mẹ kiếp, nó vẫn sống, vẫn chưa hoàn toàn quỵ liệt và có vẻ như vẫn muốn giữ phẩm giá”.

Cho đến ngày xuất hiện nhân vật mới- con điên, đứa ăn mày: “Chính nó đã phá đám. Nó quét dọn khoảnh đất quanh chuồng. Nó kiếm cây gậy dài buộc chổi tre để quét cả bên trong chuồng. Nó chia cho con khỉ những thứ nó xin được. Thì ra, con nhãi này không chỉ ngây độn mà là một con điên thực thụ, người ta bảo nhau thế”.

Chuyện kết thúc bi thảm: Con điên tự tử sau khi bị hành hạ như con khỉ. Khỉ bắt chước tự tử theo, dù trước đó tất cả sự hành hạ của bọn người kia không làm nó tuyệt vọng.

Chị Hà bảo, vì chị mà Bun chết. Chị đã không đủ tài, không đủ mối quan hệ để cứu voi con, đưa nó về khu rừng sinh thái sống sau khi được tận tình cứu chữa. Còn chúng tôi, quên đi thì thôi còn hễ nhớ ra, đều hiểu rằng rất nhiều người trong đó có mình, không hề vô can trong cái chết của Khăm Bun.

Nên cấm dần xiếc thú?

Báo nước ngoài gần đây đưa tin và báo VN lấy lại- bài và ảnh về số phận những chú voi hành nghề xiếc trên thế giới: Bị quấn chặt chão quanh cổ, kéo giãn tứ chi suốt nhiều giờ trong lúc tập luyện, ăn roi sắt, tập ngồi ghế để diễn- tư thế khó chịu so với tư thế tự nhiên của voi…Huấn luyện viên xiếc voi tên là Haddock, trước khi qua đời đã sám hối, gửi toàn bộ bằng chứng đến trung tâm bảo vệ động vật Peta với lời kêu gọi chấm dứt mọi hành động dã man tra tấn những con vật đã mất đi quyền tự bảo vệ bản thân.

Nhiều nước đã có luật về giam giữ, đào tạo động vật trong xiếc. Việt Nam ta phải chăng đến lúc theo xu hướng này, tiến tới cấm hẳn động vật kể cả chó, khỉ biểu diễn xiếc. Ngoài lý do nhân đạo thì điều kiện của ta dưới tiêu chuẩn của thế giới.

Áo: Cấm động vật hoang dã diễn xiếc từ 2005, trừ sư tử và hổ. Bang Vienne và Salzburg cấm tất.

Bỉ: Chỉ thú nuôi nhốt được diễn xiếc. Hạn chế di chuyển, cấm mọi tua diễn không tôn trọng thói quen tự nhiên của con vật, hoặc gây tổn thương đến thể xác; hạn chế giam giữ.

Anh, Hi Lạp, Brazil: Từ 2011 không chấp nhận trình diễn, sử dụng động vật làm xiếc.

Trung Quốc: Chấm dứt diễn xiếc và chương trình khác trong sở thú từ 2011.

Phần Lan: Từ 1996 cấm sử dụng động vật hoang dã, trừ sư tử biển.

Ấn Độ: Cấm hổ, báo, sư tử, khỉ và gấu diễn xiếc từ 2001. Tháng 10-2009, cấm để voi diễn ở rạp xiếc và sở thú. Voi sống ở sở thú và đoàn xiếc chuyển đến công viên, nơi hoang dã để thú sống tự do.

Singapore: Cấm sử dụng động vật hoang dã trình diễn từ 2000.

Theo Tiền phong
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem