Gặp lại các thế hệ nhà văn qua hồi ức văn học của Trình Quang Phú

M.T Thứ sáu, ngày 26/08/2022 17:14 PM (GMT+7)
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM gọi đó là "những hồi ức đầy xao xuyến", qua đó, nhà văn Trình Quang Phú đã góp phần làm cho những chân dung của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Quang Dũng... thêm sinh động, sâu sắc.
Bình luận 0

Ngày 26/8, tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức tọa đàm "Nhà văn - Nhân cách và tài năng" nhân dịp quyển sách ký ức văn học "Nhà văn và chữ tình gởi lại" của nhà văn Trình Quang Phú vừa được xuất bản.

Gặp lại các thế hệ nhà văn qua hồi ức văn học của Trình Quang Phú - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM tặng hoa cho tác giả Trình Quang Phú.

Tập sách dày 279 trang, ngoài lời mở sách, còn có 25 bài viết dưới dạng những hồi ức về các văn nghệ sĩ, mở đầu là nhà thơ Bảo Định Giang và khép lại với nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Trong 25 văn nghệ sĩ, có những nhà thơ như Bảo Định Giang, Thanh Hải, Xuân Diệu, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Nguyễn Mỹ, Như Trang, Minh Huệ, Xuân Hoàng… Hay nhà chính trị làm thơ như Xuân Thủy; nhà khoa học làm thơ như Vũ Tuyên Hoàng. 

Ngoài ra, còn có những nhà văn như: Nguyễn Tuân, Sơn Tùng, Xuân Quý, Hồng Duệ, Võ Hồng. Có vị tướng viết văn như Trần Độ, nhà quản lý viết văn như Nguyễn Tạo. Rồi, các nhạc sĩ như Văn Cao, Xuân Hồng, nhiếp ảnh gia như Võ An Ninh. 

Gặp lại các thế hệ nhà văn qua hồi ức văn học của Trình Quang Phú - Ảnh 2.

Ban tổ chức tặng hoa cho caqc khách mời đặc biệt lả con và cháu của các nhà văn.

"Có thể nói, với kỷ niệm riêng, trong những lần gặp gỡ các văn nghệ sĩ dù ngẫu nhiên hay tất nhiên đều để lại trong Trình Quang Phú những ký ức khó mờ phai của tình đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, đồng hương, đồng cảnh ngộ, song cao hơn tất cả là tình con người. Đây chính là sự ám ảnh của vô thức và tâm linh, là căn tố làm nên những dự phóng để người viết ghi lại các hồi ức nầy qua những câu chuyện giản dị nhưng thấm đẫm chất nhân văn nên chạm đến cảm xúc của người tiếp nhận", PGS - TS. Trần Hoài Anh nhận định.

Gặp lại các thế hệ nhà văn qua hồi ức văn học của Trình Quang Phú - Ảnh 3.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP và ông Trình Quang Phú

Ngoài những hồi ức văn học, tác giả cũng công bố 23 bức ảnh chân dung một số văn nghệ sĩ, như nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Phùng Quán, Lý Văn Sâm, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Thế Lữ, Chim Trắng, Viễn Phương, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước...

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM gọi đó là "những hồi ức đầy xao xuyến", qua đó, nhà văn Trình Quang Phú đã phần nào góp phần làm cho những chân dung của những nhà văn nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Bảo Định Giang, Quang Dũng, Văn Cao, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, Nguyễn Mỹ… thêm sinh động, thêm sâu sắc với những tình tiết, những khoảnh khắc đời thường được chọn lọc, được ghi lại khiến người đọc cảm nhận được những góc riêng khác, những góc khuất khác, những khao khát khác đã phần nào bù đắp những khoảng trống mà chúng ta chưa được biết và làm tròn đầy thêm nhân cách và tài năng những văn nhân, những nghệ sĩ mà tác phẩm và tên tuổi họ đã quá đỗi thân quen.

Gặp lại các thế hệ nhà văn qua hồi ức văn học của Trình Quang Phú - Ảnh 4.

Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ: "Chữ tình quý lắm"

Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ: "Tôi có trường đại học văn chương rất lớn, đó là tôi tiếp xúc được rất nhiều nhà văn, nhiều nhà thơ nhất là bậc lớn, có tên tuổi, mỗi người cho tôi một bài học rất hay như anh Nguyễn Tuân, anh Nguyễn Văn Bổng dạy tôi muốn viết văn phải có sổ tay ghi chép cẩn thận. Và anh Nguyễn Tuân nói càng ghi chi tiết bao nhiêu, thì cậu càng viết tốt bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng mỗi anh, mỗi chị đều cho tôi những kinh nghiệm nghề nghiệp.

Ví dụ như anh Ca Lê Hiến cùng là học sinh miền Nam với nhau, nửa đêm đang ngủ thấy anh ngồi dậy thắp đèn dầu lên ngồi viết. Tôi hỏi: Làm gì thế? Ca Lê Hiến nói: Thơ mà không viết thì mai nó bay mất, tứ văn đến là phải làm ngay. Chính những gặp gỡ giao lưu, những thâm tình, những trao gởi đã cho tôi một trường học về văn chương, chữ nghĩa. Ông Nguyễn Tuân dặn: đã viết ký thì phải nhớ từ ngữ, ngôn ngữ phải đúng với vùng đó, đúng với chuyện đó, đúng với con người đó, cho nên tôi phải học.

Tôi thấy chữ tình quí lắm, nhiều người cũng đã nói thứ gì rồi cũng hết, chức vụ to cũng qua đi, tiền của cũng thế thôi, nhưng chữ tình sẽ còn mãi. Lúc tôi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ông có đọc cho tôi nghe câu thơ:

"Cho đi tất thảy còn trôi nổi

Còn với non sông một chữ tình"

Ông nói: Phú ơi, tất cả là chữ tình. Tôi ghi tâm, mình phải làm sao để biểu hiện gởi thông điệp cho đời chữ tình. Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay tôi thấy chữ tình không còn sâu sắc, không còn đẹp đẽ như ngày xưa lúc ở chiến trường, khi đó hạt gạo, hạt muối cắn làm đôi, tôi thấy chữ tình sâu sắc lắm, trân quý lắm. 

Trước hết tôi muốn góp vào bảo tàng động chuyện thực về lớp những nhà văn tôi có dịp gặp gỡ và những tình cảm gởi lại cho đất nước. Tôi muốn đưa vào bảo tàng động đó những chữ tình trân quý".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem