Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Chiến tranh đến, chiến đấu là việc duy nhất đúng của lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy"

Vũ Nga Thứ tư, ngày 27/07/2022 07:33 AM (GMT+7)
"Lớn lên khi đất nước chiến tranh, đi lính đánh giặc là con đường duy nhất đúng. Chỉ buồn bây giờ sau chiến tranh, giặc "nội xâm" (tham nhũng) vẫn còn. Lâu nay, nhất là sau khoảng thời gian dịch dã, cùng cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đã khiến tôi phải nghĩ lại về cái sự viết của mình", nhà văn Trung Trung Đỉnh chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0
img
img

Các tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: NVCC

"Chiến tranh đã lùi xa, người đọc các cuốn sách về chiến tranh cũng thưa dần"

Đọc những tác phẩm viết về chiến tranh của nhà văn Trung Trung Đỉnh có thấy trong đó hiện lên rất rõ chân dung tác giả, nhiều chỗ như là tự truyện?

- Vâng! Điều đó tôi cho là cũng dễ hiểu thôi vì văn là người. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ. Thầy tôi là một ông thợ vẽ tranh dân gian, một ông đồ nho, bu tôi (quê tôi gọi cha là thầy, gọi mẹ là bu hay u) là vợ ông khóa nên được gọi là bà khóa. Bà lo toan tần tảo chăm lo cho cả nhà năm anh chị em bằng đồng tiền vẽ tranh dân gian của thầy tôi và công bảo học (dạy học) của ông.

Nhà tôi từ trước không ruộng đất, ao hồ hay trâu bò, chỉ vỏn vẹn mỗi mái nhà tranh nhưng các con đều được theo học trường làng, trường huyện dù đi bộ cả năm bảy cây số, dù phải trọ học, cơm niêu nước lọ, quần nâu áo vải.

Năm 1968, tôi đang học lớp 9 hệ 10 năm thì đi lính vì năm ấy có tổng động viên. Tôi dáng người nhỏ bé còi cọc, chỉ có 39 cân. Dạo đó sau nhiều lần bị trượt vì không đủ cân, tôi quyết định mặc cái quần phăng rộng thùng thình của ông anh đã đi bộ đội để lại, bỏ đầy hai túi quần đá vụn cho đủ cân, thế là tôi trúng tuyển.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Chiến tranh đến, chiến đấu là việc duy nhất đúng của lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy" - Ảnh 2.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ảnh: NVCC

Và có lẽ ông đã bắt đầu viết văn từ khi bắt đầu nhập ngũ?

Không, có lẽ là phải sau đó một thời gian tôi mới bắt đầu viết. Tôi đi lính, được huấn luyện trên núi Yên Tử, sau đó tập đủ các khoa mục của bộ binh, tập hành quân trèo đèo lội suối, lên rừng xuống biển đủ cả, đâu chừng năm, sáu tháng thì có lệnh hành quân vào Nam, lên tàu hỏa từ ga Dụ Nghĩa, huyện An Hải, Hải Phòng. 

Tàu đưa chúng tôi đến Vinh thì đổ xuống, bắt đầu đi bộ vào Trường Sơn. Vào đến Gia Lai, đánh nhiều trận và mãi tới năm 1972 tôi mới lần đầu viết truyện ngắn đầu tiên của mình. Toàn bộ chuyện vượt trường Sơn tôi đã viết khá kỹ và đầy đủ kể cả chuyện đói - no, sướng - khổ của đời người lính trẻ trong cuốn Lính Trận rồi.

Và cả trong tiểu thuyết Lạc rừng, trong tập bút ký Những khoảnh khắc đời người và các truyện ngắn của ông, chúng tôi thấy trong đó vết thương lòng của người lính đi về từ chiến trận, niềm tự hào của ký ức vàng son nhưng cũng có cả sự khắc khoải trước lằn ranh của thật – giả; tốt –xấu; đúng - sai. Ông có thể chia sẻ một chút về những điều này?

Cảm ơn bạn đã đọc các tác phẩm của tôi! Chiến tranh đã lùi xa, người đọc các cuốn sách về chiến tranh cũng thưa dần. Đó là điều đáng mừng, lớp trẻ bây giờ khác lứa chúng tôi nhiều lắm, kể cả cách sống, cách đọc, cách cảm thụ nhưng vẫn còn quan tâm đến cánh chúng tôi, vậy là đáng quý rồi.

Nhà văn bây giờ sống và làm việc khác, hoàn toàn khác so với chúng tôi. Họ không còn phải mày mò, rị mọ, rờ rẫm viết từng chữ trên giấy, dập dập xóa xóa, ngoắc ra ngoắc vào rồi lại cắm cổ xem lại toét cả mắt, sau đó nằm co như con tôm nghĩ, nghĩ rồi sửa, một cái bản thảo chép đi chép lại năm bảy lần, có cái xong rồi, lấy lại bản viết đầu tiên…

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Chiến tranh đến, chiến đấu là việc duy nhất đúng của lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy" - Ảnh 3.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Giờ nghĩ lại mà khiếp, mà thương mình, thậm chí chịu mình kể ra cũng ngại thật. Có lần tôi bảo viết văn là lao động khổ sai tự nguyện. Không say mê, không tự mình nghe mình đòi hỏi mình thì chẳng ai khuyên được. Thấy bạn bảo chúng tôi tự hào về thời vàng son của ký ức, nói thế xem ra hơi bị quá quá một tí.

Với tôi, thời trai trẻ, lớn lên khi đất nước bị chia cắt, bị chiến tranh, bị lâm nguy, đi lính đánh giặc là con đường duy nhất đúng. Chỉ buồn bây giờ sau chiến tranh, giặc "nội xâm" (tham nhũng) vẫn còn. Lâu nay, nhất là sau khoảng thời gian dịch dã, cùng cuộc chiến giữa Nga và Ukraina đã khiến tôi phải nghĩ lại về cái sự viết của mình…

Vậy còn với sáng tác của các nhà văn khác cùng viết về chiến tranh, ông có ấn tượng với tác phẩm nào nhất?

Tôi đọc rất nhiều các bạn của lứa chúng tôi. Tôi thích nhất nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Bảo Ninh, nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Nguyễn Trọng Tín đặc biệt là các truyện và bút ký về chiến tranh của nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi đặc biệt thích tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của anh Bảo Ninh.

Những tác phẩm hay viết về chiến tranh được coi là tài sản ký ức vô giá để người trẻ hiểu về quá khứ của cha ông mình. Vậy nhưng cũng có nhà văn nói rằng, viết vì độc giả một phần nhưng nhiều hơn thế là viết cho chính mình, cho những khoảng trống và vụn vỡ của người lính khi đi qua chiến tranh. Còn với ông thì sao?

 - Tôi nghĩ mỗi nhà văn, hay nói đúng hơn, mỗi người viết, viết cái gì cũng đều muốn viết cái của mình ra và hy vọng được chia sẻ. Tôi thuộc loại người viết không viết vì riêng một đối tượng độc giả nào cả. Tôi viết trước hết vì tôi, vì những người muốn đọc để hiểu về chiến tranh. Độc giả có quyền không thích anh, không đọc anh, họ có thể sẽ chọn một tác giả khác. Họ cũng có quyền yêu tác giả này, ghét tác giả kia, không theo sự dẫn dụ của bất kỳ một người nào khác.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh: "Chiến tranh đến, chiến đấu là việc duy nhất đúng của lớp thanh niên chúng tôi hồi ấy" - Ảnh 4.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh và một người bạn. Ảnh: NVCC

"Để có các tác phẩm lớn về chiến tranh chỉ có thể trông chờ vào lớp tác giả trẻ" 

Nhiều người nói chưa có nhiều tác phẩm đặc sắc, bao quát và đánh giá được trọn vẹn về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Nghĩa là lớp văn sĩ vẫn chưa giúp được thế hệ hôm nay trả món nợ ân tình với quá khứ, theo ông quan niệm như vậy có đúng không?

 - Ai mà đòi hỏi như thế tôi nghĩ là họ hơi quá! Vì đòi hỏi cái không bao giờ có thể có được là một đòi hỏi viển vông của mấy người không có thực tài cũng không có kinh nghiệm viết lách.

Còn chúng ta cứ theo lịch sử văn học thế giới mà xem, không thể nhìn nhận theo cách một mình mình một kiểu mà tách ra khỏi quy luật của sáng tạo mà loài người đã diễn ra hàng nghìn năm đâu. Để có các tác phẩm lớn về chiến tranh viết về các cuộc chiến vĩ đại thì nó đều được "các nhà văn lớp trẻ" có thể là sau chiến trận đến hàng trăm năm dựng lại để cho con cháu đời sau thừa hưởng. Vì vậy chúng ta chỉ có thể trông chờ vào lớp tác giả trẻ phía trước thôi nhé! 

Theo ông người viết trẻ hôm nay, họ nên tiếp cận như thế nào với đề tài chiến tranh cách mạng để viết được những tác phẩm có giá trị?

- Tôi nghĩ mỗi một nhà văn trẻ đều tự tiếp cận với đời sống, với văn hóa, với văn học theo cách của mỗi người. Việc không lệ thuộc vào bất kỳ một đòi hỏi của một định hướng nào thì hy vọng sẽ có những tác phẩm hay và có giá trị bền vững lâu dài.

Cảm ơn nhà văn Trung Trung Đỉnh đã chia sẻ thông tin!

Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) sinh ngày 21/09/1949, tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, hiện tại đang sinh sống ở Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, đồng thời ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1984). Ông được sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường, sau khi học xong phổ thông, ông quyết định đi bộ đội.

Trung Trung Đỉnh có nhiều năm hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên thời chống Mỹ cứu nước nên sự hiểu biết cũng như tình cảm của ông dành cho mảnh đất này rất nhiều. Ngoài viết văn, ông còn làm thơ, viết kịch bản phim.

Tây Nguyên cũng chính là đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong các tác phẩm mang đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: Những khoảnh khắc đời người; Ngược chiều cái chết; Lời chào quá khứ; Tiễn biệt những ngày buồn; Lạc rừng; Lính Trận; Sống khó hơn chết...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem