Gặp nạn vì máy nông nghiệp không an toàn

Thứ ba, ngày 15/06/2010 07:31 AM (GMT+7)
(NTNN) - Nông dân cả nước đang bước vào vụ gặt lúa xuân hè 2010 và các máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp đang hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, do bất cẩn hoặc máy móc không an toàn, nhiều nông dân đã gặp tai nạn.
Bình luận 0

Đứt 2 ngón tay vì máy tuốt lúa

Ngày 10-6, anh Nguyễn Văn Vụ ở Hải Giang - Hải Hậu (Nam Định) nhập viện do sơ ý đưa tay vào máy tuốt lúa. Tại phòng chờ mổ của khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), các bác sĩ cho biết, anh Vụ nhập viện trong tình trạng bị nát bàn tay phải, đứt gần gần lìa hẳn hai ngón tay, mất máu nặng, tinh thần hoảng loạn.

Nén cơn đau thấu xương và nỗi lo bị mất vĩnh viễn hai ngón tay, anh Vụ kể: “Hôm đó, vào khoảng 7 giờ sáng, tôi định gỡ cái rơm bị rối để chuẩn bị quạt lại thóc cho đỡ trấu. Khi tôi đưa tay vào cái buli, rơm bị rối kéo luôn cả tay vào, mặc dù mấy người cùng làm đã tắt ngay máy nhưng vẫn bị chém nát bàn tay”.

Theo anh Vụ, vào những ngày mùa, anh phải làm việc với cường độ cao, phải cạnh tranh với nhiều máy khác nên nhiều khi làm ẩu. Nhiều chủ máy phải tranh thủ cả buổi trưa, tối và thậm chí là cả đêm. Ngoài ra, các máy tuốt lúa có rất nhiều chỗ không an toàn, khi bị tai nạn mới phát hiện ra. “Chính vì thế, vào ngày mùa, hầu như ở đâu cũng có tai nạn lao động từ máy tuốt lúa, không xã này thì xã khác”- anh Vụ than thở.

Anh Vũ Văn Nam (xã Tân Dân, Phú Xuyên, Hà Nội) cũng bị mất cả bàn tay phải khi điều khiển máy đánh bóng đậu, sấy lúa… phải nằm Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn nửa tháng trời. Anh nói: “Vào vụ nên chúng tôi đều phải làm ngày làm đêm. Hết đảo lúa, đậu lại cho vào máy trong không khí nóng hầm hập của thời tiết và lò hơi nên rất dễ bị tai nạn”.

Cần vào cuộc gấp

Theo thống kê của Bệnh viện Việt Đức, 5 tháng đầu năm 2010 có 831 vụ tai nạn lao động vào cấp cứu ở bệnh viện, trong đó có rất nhiều tai nạn lao động trong nông nghiệp.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Duy Nghiệp - cán bộ An toàn lao động – (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định), thừa nhận, công tác tuyên truyền về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và phổ biến pháp luật về vệ sinh an toàn lao động hiện mới chỉ “với tới” các doanh nghiệp, khu sản xuất công nghiệp và xây dựng. Vấn đề an toàn lao động ở khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn rất nhiều điều phải bàn.

Ông Nghiệp nói: “Trước đây, chúng tôi có mở lớp tuyên truyền về an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp và làng nghề nhưng mới chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ hẹp. Sắp tới, khi có kinh phí của Dự án 6- Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động gắn với xã hội hoá công tác thông tin, tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, chúng tôi sẽ tập trung cho khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn.

Thực tế, năm 2007-2009, Cục An toàn lao động cũng tổ chức 2 cuộc thi “Nông dân với an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp” tại Phú Thọ và Nam Định, tuy nhiên sức lan toả còn chưa rộng, ND chưa chú ý nhất là khi vào vụ mùa bận rộn. Ông Nguyễn An Lương - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật – an toàn vệ sinh lao động đề xuất nên xây dựng mô hình những tư vấn viên là nông dân, tuyên truyền cho chính nông dân về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp, và hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên để nông dân hiểu rõ nguy cơ của tai nạn lao động trong nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem