Gặp người khiếm thị nói 2 ngoại ngữ, sử dụng máy tính thành thạo

Công Phương Thứ tư, ngày 16/12/2015 19:37 PM (GMT+7)
Là một người khiếm thị không thấy ánh sáng, nhưng chị Đỗ Thúy Hà không chấp nhận cuộc sống quanh quẩn trong bốn bức tường, chị đã vươn lên học được 2 ngoại ngữ và sử dụng máy tính thành thạo.
Bình luận 0

Sáng 16.12, tiếp chúng tôi tại trụ sở Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội), chị Đỗ Thúy Hà (SN 1981, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa) cho biết, chị bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh từ khi 6 tuổi và không nhìn thấy ánh sáng từ đó.

Cuộc sống của chị Hà càng bế tắc hơn khi đến tuổi đi học, bạn bè cùng trang lứa được cắp sách đến trường, còn chị vẫn quanh quẩn ở nhà. Lúc này, chị thấy mình bị lạc lõng, tủi thân khi không được đến trường.

Lên 9 tuổi, chị Hà đã được đi học ở trường Nguyễn Đình Chiểu nhờ những cố gắng của bố mẹ. Ngày tựu trường, chị được gặp những bạn học đồng cảnh ngộ với mình, nhưng vẫn bền bỉ từng ngày vươn lên trong cuộc sống. Chính điều đó khiến chị tự tin hơn, luôn cố gắng học tập, bởi đây là con đường duy nhất để chị thay đổi cuộc sống.

Sau 12 năm học ở trường Nguyễn Đình Chiểu, chị ra trường với thành tích 12 năm đều là học sinh giỏi. Với học lực đó, chị đã thi vào khoa Tiếng Anh, Viện Đại học Mở Hà Nội, bởi học ngoại ngữ là một trong những đam mê của chị.

Chị Hà kể: “Người bình thường học ngoại ngữ còn vất vả, huống chi là một người khiếm thị. Học ngoại ngữ cần nhiều sách tham khảo, sách giáo khoa, nhưng hầu như không có sách dành cho người khiếm thị. Do đó, mỗi lần học, tôi đều được bố mẹ, em trai đánh vần, đọc cho tôi nghe để ghi chép. Với niềm đam mê ngoại ngữ, tôi đã được học bổng toàn phần sang Nhật du học về những kỹ năng lãnh đạo của người khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương”.

Sau 2 năm du học ở Nhật, chị Hà về nước với nhiều kỹ năng được trang bị. Chị thành thạo hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Nhật. Ngoài ra, trong quá trình học tập, chị cũng chịu khó học sử dụng máy tính, điện thoại.

img

Chị Đỗ Thúy Hà làm việc trên chiếc máy tính có cài đặt phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị.

“Nếu máy tính và điện thoại được cài đặt phần mềm đọc màn hình thì tôi có thể lên mạng, vào mail, vào Facebook. Người bình thường biết dùng cái gì thì tôi biết sử dụng cái đó. Chỉ có ảnh là người khiếm thị không nhìn được, còn cái gì có chữ là tôi đọc được hết”, chị Hà tươi cười nói.

Với nỗ lực vươn lên, thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, giúp chị Hà kết nối với các tổ chức xã hội ở trong và ngoài nước nhằm quan tâm, chăm sóc người khuyết tật nhiều hơn nữa. Chị đã kết nối với Tổ chức phi chính phủ ACCV của Australia, giúp hội viên Hội Người mù quận Đống Đa được học tiếng Anh miễn phí 2 buổi/tuần. Giáo viên là người Việt Nam và người nước ngoài, lớp có 10 hội viên theo học.

Ngoài ra, Hội người mù quận Đống Đa còn tổ chức các lớp dạy nghề, hành nghề tẩm quất nhằm tăng thu nhập, giúp cải thiện, nâng cao đời sống của các hội viên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem