Đại tá Trần Văn Thà (trái) và cựu binh mỹ Neil Hannan
Vừa qua, một trong số những lính Mỹ tham gia trận chiến kể trên may mắn thoát chết, đã quyết định đến thăm lại chiến trường xưa và xin được gặp người cựu chiến binh, Đại tá Trần Văn Thà (hiện ở 60 Phù Đổng, Nha Trang, Khánh Hoà), với hy vọng để vơi đi nỗi ám ảnh đến “kinh hoàng” đã đeo đuổi ông ta suốt gần nửa thế kỷ qua. Đó là Neil Hanman–một người lính Mỹ, lúc đó mới 19 tuổi thuộc đại đội A, lữ đoàn 196 Mỹ kể trên.
Tại nhà riêng, Đại tá Trần Văn Thà, dù tuổi đã cao (86 tuổi) nhưng vẫn dáng người cao lớn, minh mẫn và nhớ rất rõ từng chi tiết nhỏ, ông kể: Khi Neil gặp tôi, ông ấy lấy trong ba lô ra cuốn Album ảnh, kèm nhiều tại liệu, sơ đồ…rồi cẩn thận lật từng trang cho tôi xem...Thật bất ngờ, cả hai chúng tôi đều nhận ra từng dữ kiện trong trận giao chiến ngày ấy. Neil kể rằng, lúc đó tâm trí thật kinh hoàng, cùng 3 tân binh khác bị mắc kẹt ở trận địa và tìm cách lẩn trốn, cuối cùng chỉ thoát chết trong gang tấc...Ngoài ra còn có các tân binh khác như Bill Baird, Desmand thoát chết và chạy thục mạng trở về đơn vị trong trạng thái tinh thần hoảng loạn…
“Cũng tại cuộc gặp gỡ, Neil xúc động ôm chầm lấy tôi và nói rằng: Tất cả đối với tôi như một cơn ác mộng, thật kinh hoàng, bởi tôi đã được chọn đi lính khi đang còn là học sinh. Chúng tôi ra chiến trường vì mệnh lệnh chứ không phải vì lý tưởng chính nghĩa như những người lính Việt Nam. Nhìn thấy những chiếc máy bay bị bốc cháy rơi xuống đất, những chiếc xe tăng bị nổ tung, xác lính Mỹ nằm la liệt, tinh thần chúng tôi xuống dốc ghê ghớm. Nhưng bây giờ mọi cái đã qua, chúng ta hãy mãi mãi là bạn...”, ông Thà kể.
Di ảnh Wiliam Kimball và kỷ vật, con dao cạo râu mà ông Thà vẫn giữ 47 năm nay.
Nhớ lại trận giao tranh ngày 6-5-1968, ông Thà kể tiếp: chúng tôi luôn ở thế chủ động kiểm soát trận địa, hàng chục lính Mỹ chết tại cánh đồng Nhĩ Trung - Nhĩ Hạ. Với quan điểm nhân đạo, ta vẫn để nguyên các thẻ bài đeo trong cổ lính Mỹ để người chỉ huy đơn vị Mỹ biết ai đã chết và sau này gia đình họ bên nước Mỹ nhận được thi thể con em họ nhanh hơn. Riêng người lính Mỹ bị bắt, ta cũng đối xử tử tế. Tuy nhiên, phát hiện có một lính Mỹ nằm chết ven đường với dáng vẻ khác thường, nên chúng tôi cho kiểm tra trong người, ngoài thẻ bài, một vài tờ đô la, còn có chiếc dao cạo râu rất đẹp, lúc đó tôi đã quyết định giữ lại làm kỷ niệm và giờ muốn trao lại kỷ vật này cho người thân của người lính Mỹ xấu số ấy. Neil đã cùng tôi vẽ lại sơ đồ xác định vị trí người lính Mỹ chết này và khẳng định đó là một sĩ quan chỉ huy đại đội khác, nhưng cùng tiểu đoàn với Neil, tên là Wiliam Kimball. Trước khi chia tay, Neil hứa về Mỹ sẽ tìm và Neil đã tìm gặp được người vợ của Wiliam Kimball. Mới đây họ đã gửi di ảnh qua và cho biết vợ của Wiliam là bà Kimball’s Razor đã rất bàng hoàng, mong muốn được nhận lại kỷ vật của người chồng quá cố, nhưng do già yếu không thể qua Việt Nam được (bà chưa có con với Wiliam). Đồng thời đã uỷ quyền nhờ Neil thu xếp lịch sang lại Việt Nam vào ngày gần nhất để tiếp nhận kỷ vật trên.
Về phía đại tá Tần Văn Thà, ông cho rằng, cũng tương tự như các kỷ vật của bộ đội ta mà phía Mỹ đã trao trả một cách trân trọng, vì vậy ông mong muốn nếu diễn ra việc trao lại kỷ vật trên, ông muốn thông qua Hội cựu chiến binh, giúp tổ chức thực hiện…
Hiện nay, ông Thà đã cẩn thận đóng thành hộp chiếc dao cạo râu và viết 4 câu thơ gửi kèm kỷ vật. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc:
Xin hãy quên đi vết đau qua
Nhận về kỷ vật nhỏ của nhà
Cách bốn bẩy năm còn hơi ấm
Gửi với tình người quá thiết tha.
Công Thi (Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.