Gặp nhóm sinh viên tạo ra phần mềm chống gian lận thi cử khiến ai cũng... "run sợ"

Tào Nga Thứ tư, ngày 07/09/2022 15:42 PM (GMT+7)
Phần mềm chống gian lận thi cử bằng cách nhận diện hành vi của thí sinh trong phòng thi qua các khớp xương, mô hình có thể phát hiện ra ai đang quay cóp trong phòng.
Bình luận 0

Phần mềm chống gian lận thi cử 

Gian lận thi cử đang khiến nhiều thầy cô, trường học và ngành Giáo dục phải đau đầu bởi thời đại công nghệ 4.0 lên ngôi đồng nghĩa với việc gian lận thi cử càng tinh xảo hơn, khó phát hiện hơn. 

Mới đây một nhóm sinh viên đã tạo ra phần mềm chống gian lận thi cử. Đó là nhóm Hugging Team. Vừa mới công bố, phần mềm của nhóm đã khiến bao học sinh, sinh viên phải... toát mồ hôi hột. 

Gặp nhóm sinh viên tạo ra phần mềm chống gian lận thi cử khiến ai cũng... "run sợ" - Ảnh 1.

Nhóm Hugging Team. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Hugging Team cho biết nhóm có 3 thành viên là Lê Đức Anh Tuấn (Leader), Trần Vương Quốc Đạt và Phùng Phương Nhung. Tuấn và Đạt đều là sinh viên năm 3, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, Tuấn là admin của Humans of HUST, một page chia sẻ về cuộc sống của Tuấn và những điều bình dị, quý giá nhất tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Phương Nhung là sinh viên năm 3, ngành Tài chính ngân hàng - Kế toán kiểm toán, Học viện Tài chính.

Nói về ý tưởng tạo phần mềm chống gian lận thi cử, nhóm cho biết, Tuấn là người đề xuất ý tưởng này. Ban đầu, nhóm nghĩ rằng nếu thi một cuộc thi về kinh tế thì nên chọn một đề tài liên quan đến tài chính, kế toán. Tuy nhiên, các ý tưởng này đều gặp vấn đề về dữ liệu, cụ thể là vấn đề bảo mật và tính thực tiễn. Thế nên để khả thi nhất, cả nhóm chốt ý tưởng chống gian lận thi cử vừa có tính ứng dụng thực tiễn cao vừa khả thi trong việc lấy dữ liệu.

Clip nguyên lý hoạt động của phần mềm chống gian lận thi cử. Clip: NVCC

"Đây là một sản phẩm chống gian lận thi cử áp dụng phương pháp phân tích hành vi của con người dựa trên nhận diện các thay đổi cử chỉ con người thông qua video stream trực tiếp từ cam và tổng hợp data để feed to model classification. Chúng em sử dụng các lớp mô hình state-of-the-art của dữ liệu hiện tại, focus vào hai task này, đều là những repo nổi tiếng trên GitHUb nên áp dụng vào mô hình lớp thi trực tiếp cảm thấy hoạt động khá là vừa ý.

Với mô hình này, chúng em hướng tới ứng dụng tại các cuộc thi lớn như kỳ thi trung học phổ thông hay các kỳ thi đánh giá của các trường đại học như kỳ thi Đánh giá Tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hay kỳ thi Đánh giá Năng lực của Đại học Quốc gia để giảm bớt áp lực cho công tác trông và coi thi. Về ưu điểm của mô hình, bằng cách nhận diện hành vi của thí sinh trong phòng thi qua các khớp xương, mô hình có thể phát hiện ra sinh viên có hành vi gian lận. Chúng em hướng tới việc có thể phát hiện gian lận theo thời gian thực nhưng ở thời điểm hiện tại thì mô hình của chúng em mới có thể làm offline, tức là sau khi thi xong mới có thể phát hiện các hành vi gian lận", Anh Tuấn đại diện nhóm cho hay.

Vừa ra mắt đã tạo viral

Phần mềm chống gian lận thi cử của nhóm ngay sau khi chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhất là học sinh, sinh viên. 

Chia sẻ cảm xúc, Anh Tuấn cho biết: "Khi dự án tạo viral trên mạng xã hội thì chúng em nhận được khá nhiều phản ứng có tích cực và tiêu cực đến từ cộng đồng mạng. Đối với phản hồi tích cực thì chúng em rất vui vì nhận được lời khen, cũng như là sự công nhận đến từ mọi người. Còn đối với phản hồi tiêu cực thì chúng em vừa buồn cười vừa buồn thật. Đọc các bình luận thì mọi người nói là vì đời học sinh mà, ai mà không một lần quay cóp, giờ phát triển đề tài này thì hẳn các thế hệ học sinh sẽ biết ơn chúng em lắm".

Gặp nhóm sinh viên tạo ra phần mềm chống gian lận thi cử khiến ai cũng... "run sợ" - Ảnh 3.

Nhóm Hugging Team trao đổi về phần mềm. Ảnh: NVCC

Hiện đang là sinh viên năm 3 nên cả 3 bạn đều có nhiều ấp ủ cho mình trong thời gian tới. Chia sẻ thêm với PV, Anh Tuấn cho biết, dự định sắp tới sẽ cố gắng hoàn thiện sản phẩm và có thể đứng lên start-up: "Chúng em còn trẻ mà. Chúng em sẽ thử sức mình".

Còn Phương Nhung thì vui vẻ cho hay: "Em hi vọng sẽ được làm việc thêm với các bạn, có thêm nhiều kinh nghiệm về công nghệ hơn. Ngược lại, em sẽ chia sẻ với các bạn tài chính. Sau này biết đâu Hugging Team chuyển qua làm FinTech thì sao".

Không có kế hoạch quá cao siêu, Quốc Đạt tươi cười cho biết: "Đối với mình, sinh viên Bách khoa thì cứ phải qua môn rồi mới có dự định riêng được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem