“Cuộc chiến” chiếm dụng vỏ bình
Theo một số công ty gas có uy tín, vỏ bình gas là tài sản quý giá bởi nó nói đến uy tín, chất lượng sản phẩm của mỗi công ty gas, hơn nữa số tiền để sản xuất hoặc mua một vỏ bình gas là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, trạm chiết nạp hoặc cửa hàng gas ở một số tỉnh, thành thường mua lại vỏ bình của một số công ty có uy tín từ người dân với giá rẻ đem về “phục chế”.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2015/images/2015-12-02/1449063969-luc-luong-chuc-nang-hau-giang-kiem-tra-tram-chiet-gas-chin-thao.jpg)
Lực lượng chức năng kiểm tra trạm chiết nạp thuộc DNTN gas Chín Thảo (Hậu Giang). Ảnh: HUỲNH XÂY
Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong tháng 10 vừa qua, đơn vị này kiểm tra đột xuất kho gas Chí Can (Công ty TNHH một thành viên Chí Can, địa chỉ tại khu vực 1, phường VII, TP.Vị Thanh), phát hiện nơi đây chứa 43 vỏ gas trái phép (Duy Phát 17 vỏ và TTgas 26 vỏ. Hai thương hiệu này đều không nằm trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cấp). Được biết, trước đây công ty này cũng từng bị xử lý vì chứa trên 100 vỏ bình gas trái phép.
Cũng tại TP.Vị Thanh, Đoàn kiểm tra liên ngành Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Hậu Giang (Ban chỉ đạo 389) cũng vừa phát hiện DNTN gas Chín Thảo chứa hàng trăm vỏ bình của các công ty mà doanh nghiệp này không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp. Cụ thể: Total gas: 61 vỏ, Elf gas: 9 vỏ, Thantai gas: 163 vỏ, SaiGonPetro gas: 137 vỏ…
Theo Chi cục QLTT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, việc thu mua vỏ bình trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc hoặc chiếm dụng vỏ bình của các doanh nghiệp gas có uy tín thường xuyên bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, tình trạng này vẫn tái diễn ở các địa lý gas, trạm chiết nạp, khiến việc quản lý vô cùng khó khăn, người tiêu dùng thì bất an...
Loạn tem, niêm màng co giả
Thông tin điều tra riêng của phóng viên NTNN cho thấy, sau khi chiếm dụng vỏ bình, các trạm thường bơm gas của các công ty khác hoặc gas không rõ nguồn gốc vào bình. Đồng thời, dán các loại tem, niêm màng co giả (mua từ TP.HCM) lên bình để bán ra thị trường với giá thường rẻ hơn sản phẩm chính hãng 10.000 đồng/bình.
Liên quan đến vấn đề này, Chi cục QLTT tỉnh An Giang cho biết, đầu tháng 11, đơn vị này kiểm tra đột xuất một số điểm mua bán gas trên địa bàn huyện Chợ Mới và phát hiện hàng trăm bình gas có dấu hiệu bị làm giả niêm màng co, tem.
Chi cục phó Chi cục QLTT TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Sanh cho biết thêm: “Chúng tôi vừa gửi mẫu tem có dấu hiệu giả nhãn hiệu Petimex Gas đến Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) kiểm tra. Trước đó, qua kiểm tra đột xuất 4 cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn quận Ninh Kiều, đơn vị đã phát hiện tổng cộng 68 bình gas nhãn hiệu Petimex Gas có dấu hiệu làm giả tem.
Ông Lê Xuân Hòa – Chủ tịch Chi hội Gas miền Tây xác nhận, thời gian qua, ngành chức năng các địa phương đã rất tích cực trong công tác đấu tranh chống các hành vi buôn bán gas giả, sang chiết gas trái phép. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hội viên Chi hội Gas miền Tây.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.