Gạt nước mắt giữ nghề giáo

Thứ ba, ngày 20/11/2012 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Họ đã từ bỏ những vị trí làm việc “ngon lành” để dựng trường ở vùng sâu, vượt qua nhiều mặc cảm, kỳ thị để dạy tốt… Với họ, nghề giáo không chỉ có hoa và những lời chúc mừng, mà còn đầy nước mắt.
Bình luận 0

Dựng trường nơi “Đất Muỗi”

Mới ra trường, cô giáo Nguyễn Thanh Thêm (ảnh) được phân công về công tác tại thị trấn Năm Căn (Cà Mau). Làm giáo viên được 2 năm, do thành tích công tác tốt, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.

img
Nhiều giáo viên đang ngày đêm gieo chữ nơi biên cương, hải đảo.

Trong một lần tình cờ đến Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), được chứng kiến sự khó khăn của trẻ em vùng biển không có chỗ chơi, không được đi học ngày ngày lang thang với bùn đất, con cua, con ốc … cô Thêm bị ám ảnh.

Từ bỏ vị trí hiệu phó ở một thị trấn có đầy đủ điều kiện dạy học, cô Thêm quyết xin đi vùng sâu dựng trường. “Bạn bè, đồng nghiệp của tôi hết sức ngỡ ngàng về quyết định của tôi, nhưng những ánh mắt trẻ thơ thôi thúc trái tim tôi quyết tâm đến với Đất Mũi, xây dựng Trường Mầm non Đất Mũi” - cô Thêm kể.

Cô Thêm nhớ lại: “Đến với Đất Mũi, tôi mới thấy được bao khó khăn, thử thách đang chực chờ mình. Lớp học không có, tôi đề nghị UBND xã cho mượn 1 phòng rộng 36m2 ở trụ sở cũ của uỷ ban làm nơi nuôi dạy học sinh. Không sân chơi, không hàng rào, không cây xanh bóng mát; ban ngày phòng là lớp học, tối đến là nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi của tôi”.

Những năm đầu, để có học sinh đến lớp, cô Thêm một mình đi đến từng nhà bà con để vận động bà con đưa con em đến trường. Được 24 trẻ đến lớp, thành lớp học mầm non đầu tiên, cô vui đến rớt nước mắt nhưng cũng lo lắng không biết có duy trì trường lớp được không vì điều kiện ở đây khó khăn quá. Người dân vẫn nói đây là “Đất Muỗi” chứ không phải Đất Mũi vì có quá nhiều muỗi. Trẻ tới lớp bị muỗi bu hàng đàn khiến các em sợ.

Ngoài ra, hàng năm cứ vào khoảng tháng 10-12 ở Đất Mũi lại đến mùa thuỷ triều dâng, nước lên ngập vào lớp học. Phải chờ cho nước rút, cô Thêm mới bắt tay vào quét dọn, lau chùi và chờ khô bàn ghế cô trò mới học được. Mỗi lần nước ngập kéo dài đến 3 – 4 ngày, mỗi tháng có đến 2 lần nước ngập.

img
 

“Đến trường, xa cha mẹ, thấy cô giáo lạ nên các cháu cứ khóc oà lên như đàn ong vỡ tổ rồi chạy, thậm chí có cháu chạy trốn vào rừng rồi ngủ quên dưới gốc cây, tôi và cả gia đình phải loạn lên đi tìm. Lo lắng, khổ sở, tôi bật khóc nức nở vừa sợ mất học trò, vừa sợ mình không thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này” – cô Thêm xúc động.

Ngôi trường vượt qua bao gian khó mới tồn tại được và hiện cô Thêm đã là hiệu trưởng.

Nghị lực của người giáo viên nhiễm HIV

Mới ngoài 30 tuổi, nhưng cô Nguyễn Thị Hoàn (ảnh) - giáo viên Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) đã nếm trải nỗi đau quá lớn. Con gái, chồng rồi em ruột – những người thân của cô đều lần lượt ra đi vì mắc HIV/AIDS. Bản thân cô cũng mang trong mình virus HIV. Nhưng vượt lên mọi kỳ thị, cô Hoàn vẫn dạy học, 6 năm liền cô là giáo viên dạy giỏi của tỉnh Bắc Giang.

img
 

Tốt nghiệp khoa Văn của Trường Đại học Sư phạm II Hà Nội với số điểm khá cao, năm 2000, cô trở lại quê hương và được phân công dạy tại Trường THPT Mỏ Trạng. Nỗi đau ập đến khi cô sinh con đầu lòng, niềm hạnh phúc dạt dào của người lần đầu được làm mẹ như vỡ vụn khi nhận được “bản án tử hình” từ kết quả xét nghiệm của bệnh viện. Virus HIV từ chồng lây sang và cô đã truyền cho đứa con bé bỏng. 4 tháng sau, bé mất. Chưa kịp nguôi ngoai thì những ngày cuối tháng 4.2005, em trai ruột rồi chồng cô cũng lần lượt ra đi bởi căn bệnh thế kỷ.

Đau thương ập đến như cơn lốc cuốn đi của cô tất cả. Và nỗi đau như càng thẳm sâu vào đáy tim hơn vì những tiếng xì xào, dị nghị. Cô đã khóc nhiều đêm, đã nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Nhưng mỗi sớm mai tới lớp, cô lại gạt nước mắt nghĩ chuyện giữ nghề.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, toàn ngành hiện có 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại gần 3.900 xã vùng cao, miền núi và hải đảo, là những địa bàn còn hết sức khó khăn của đất nước.

Gạt bỏ mọi mặc cảm bệnh tật, cô càng chuyên tâm làm việc. Ngoài thời gian lên lớp, cô tích cực tìm tòi nghiên cứu tài liệu tham khảo, tự học để nâng cao chuyên môn, để truyền cho học sinh tình yêu môn văn và sống nhân ái chính là tâm nguyện của cô.

Và có lẽ niềm vui lớn nhất chính là sự đồng cảm chia sẻ từ những học trò, những vị phụ huynh học sinh. Không biết từ khi nào, sự ngăn cách, kỳ thị giữa cô và học sinh không còn. Một số học sinh, cả những em không phải cô chủ nhiệm đã nhận cô làm mẹ nuôi. Bởi thế nên dù có đau ốm, bệnh tật, nhưng lúc nào cô cũng lạc quan, vui vẻ, sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người.

Không giấu mình trong bóng tối, cô Hoàn công khai chuyện mình mắc bệnh thế kỷ và tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Cô cũng là người tích cực trong cuộc chiến chống phân biệt, kỳ thị đối với trẻ em nhiễm HIV với mong muốn các em có cơ hội tới trường. Cô Hoàn tâm sự: “Phàm là con người thì máu ai cũng đỏ và nước mắt ai cũng mặn, sự sống đáng quý như nhau, nỗi đau đáng được cảm thông và chia sẻ như nhau. Hãy vì con người mà bảo vệ sự sống, hãy vì tuổi thơ của trẻ em mà lên tiếng chống kỳ thị phân biệt và đối xử”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem