Gây thiệt hại cho dân rồi né trách nhiệm

Thứ bảy, ngày 27/07/2013 07:48 AM (GMT+7)
Sau gần 2 năm bị thu hồi đất bởi Dự án hồ chứa nước Tả Trạch nhưng không được bồi thường, 46 hộ dân xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) khiếu nại thì được... trả lại đất. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không đoái hoài đến thiệt hại của người dân mất đất.
Bình luận 0
Dân lãnh đủ

Để khai thác lấy đất đắp đập chính của công trình hồ Tả Trạch, từ năm 2010, Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 5 (BQLĐTXDTL) (Bộ NNPTNT) đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thu hồi 8,5ha đất sản xuất (chủ yếu trồng cây hàng năm) của 46 hộ dân xã Dương Hòa để làm mỏ vật liệu mở rộng vùng 5 VĐ2. Ngày 5.10.2011, UBND thị xã Hương Thủy ra thông báo về việc thu hồi diện tích đất trên và sau đó phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại và hỗ trợ cho người dân.

Với gần 2 năm không thể sản xuất trên đất bị thu hồi,  gia đình ông Phan Từ  Phong thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Với gần 2 năm không thể sản xuất trên đất bị thu hồi, gia đình ông Phan Từ Phong thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Theo quyết định phê duyệt, 46 hộ dân được bồi thường và hỗ trợ tổng cộng hơn 2.278 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của UBND thị xã Hương Thủy, người dân chờ đỏ mắt vẫn không nhận được tiền bồi thường và hỗ trợ. Vừa qua, khi người dân có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thì được tỉnh trả lời rằng Ban QLĐTXDTL 5 không sử dụng 8,5ha đất nói trên nữa nên người dân được trả lại đất.

Điều khiến người dân bức xúc là việc Ban QLĐTXDTL 5 trả lại đất nhưng lại không đoái hoài đến việc bồi thường thiệt hại cho dân do gần 2 năm trời không được sản xuất trên đất. Ông Phan Từ Phong- một trong những hộ dân bị thu hồi đất- cho biết: Từ khi thị xã ra thông báo về việc thu hồi đất đến nay, gia đình ông cũng như 45 hộ dân khác hoàn toàn không được canh tác trên đất. Với nhiều vụ sản xuất không thể thực hiện, gia đình ông bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Nhiều hộ dân khác cho biết, đất mà họ bị thu hồi để làm mỏ vật liệu mở rộng vùng 5 VĐ2 là diện tích đất ít ỏi mà họ có, nên việc một thời gian dài không được canh tác trên đất khiến các gia đình bị đẩy vào cảnh khó khăn. “Gần 2 năm không được sản xuất, 46 hộ dân chúng tôi thiệt hại nhiều tỷ đồng. Giờ họ chỉ trả lại đất mà không đền bù thì chúng tôi quá thiệt thòi”- ông Huỳnh Văn Lợi bức xúc.

Cần xin lỗi và bồi thường cho dân

Ông Võ Quang Vinh- Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng NNPTNT Thừa Thiên- Huế cho biết, sau khi UBND thị xã Hương Thủy phê duyệt giá trị đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho 46 hộ dân trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đề nghị Ban QLĐTXDTL 5 chuyển tiền để chính quyền chi trả cho người dân thì cơ quan này cho biết tiền đền bù của dự án hồ Tả Trạch đã hết. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xin trích quỹ dự phòng của dự án để chi trả cho dân nhưng không được Bộ Tài chính chấp thuận. Vì vậy, trong một thời gian dài các hộ dân không được chi trả tiền đền bù cho đến khi Ban QLĐTXDTL 5 thông báo không sử dụng diện tích đất đã thu hồi nữa.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lê Văn Lương- Phó Giám đốc phụ trách Ban QLĐTXDTL 5, cho rằng, cơ quan của ông không sử dụng đất của 46 hộ dân trên để lấy vật liệu xây dựng đập hồ Tả Trạch nữa do nguồn đất đắp đập đã được tận dụng ở những khu vực khác. Ông Lương nói việc các hộ dân trên khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại là việc của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế chứ đơn vị của ông không liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Vinh, nguyên nhân khiến 46 hộ dân bị “giam” đất sản xuất trong 2 năm trời là do Ban QLĐTXDTL 5 thiếu sót trong việc dự báo và cân đối nguồn vật liệu phục vụ cho việc xây dựng đập hồ Tả Trạch. Từ đó, ông Vinh nói câu trả lời trên của lãnh đạo Ban QLĐTXDTL 5 là thiếu trách nhiệm với người dân. “Ban này cần xin lỗi dân và bồi thường, hỗ trợ cho người dân nếu họ yêu cầu”- ông Vinh nói.
An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem