GĐ Chứng khoán KIS Việt Nam: Thị trường tiếp tục bùng nổ nhưng khó thăng hạng trong năm 2022

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 04/02/2022 13:38 PM (GMT+7)
Theo chuyên gia kinh tế - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa và bùng nổ, nhưng sẽ khó thăng hạng trong năm 2022 vì nhiều lý do mang tính… kỹ thuật.
Bình luận 0

Trò chuyện với Dân Việt về thị trường chứng khoán đầu năm mới Nhâm Dần, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - cho rằng, năm 2022, dù còn nhiều ẩn số khi lãi suất có thể tăng khiến dòng tiền vào kênh chứng khoán chịu ảnh hưởng xấu nhưng dư địa tăng của thị trường và cơ hội cho nhà đầu tư được nhận định vẫn còn, dù không phong phú như năm 2021.

Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam: Thị trường tiếp tục bùng nổ nhưng khó thăng hạng trong năm nay - Ảnh 1.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thưa ông, nhiều dự báo cho rằng TTCK Việt Nam sẽ có nhiều "ẩn số" trong năm 2022 do nhiều yếu tố như lãi suất tăng, liệu đầu tư vào chứng khoán còn có nhiều cơ hội?

- Năm mới, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) dự báo sẽ tiếp tục thăng hoa và bùng nổ vì hai lý do.

Thứ nhất, xét về bình diện tổng thể, nền kinh tế thế giới đang rất ổn định và mọi thứ đang dần đi vào bình thường hóa. Dù rằng đâu đó vẫn có nhắc nhở, cảnh báo chủng biến thể mới Omicron nhưng tất cả các số liệu về sinh học đều cho thấy biến thể này dù lây lan nhanh nhưng độ nguy hiểm không nhiều như biến chủng Delta.

Một vài nhà khoa học đã lên tiếng dự báo chủng Omicron này sẽ là chủng kết thúc đại dịch. Nghĩa là chủng này sẽ giúp con người có được kháng thể tự nhiên, kháng thể cộng đồng, từ đó giúp con người dù có mắc phải dịch Covid-19 cũng sẽ không còn bị nặng như trước. Điển hình là các nước, trong đó có Việt Nam đã mở rộng việc đi lại, giao thương, kể cả mở cửa bầu trời… Cho nên, nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào giao thương và việc giao thương đã nối lại thì sẽ giúp nền kinh tế khôi phục, các doanh nghiệp cũng sẽ hồi phục.

Thứ hai, trở lại với trong nước, Quốc hội và Chính phủ vừa thông qua gói kích cầu 350 nghìn tỷ đồng và phân bổ cho vài năm sắp tới. Và phân bổ này không phải là đưa tiền cho doanh nghiệp (DN) mà giúp cho các DN bằng các công cụ như giảm thuế, hỗ trợ DN, hỗ trợ lãi suất… tạo sức mạnh, tạo thêm sự cạnh tranh cho DN.

Và các giải pháp này rất hợp lý, bởi không tạo quá nhiều yếu tố lạm phát do chi phí đẩy mà lại giúp cho các DN có thêm nội lực để cạnh tranh và có thể phát triển trong tương lai.

Khi DN phát triển thì nền kinh tế cũng phát triển, khi đó, TTCK VN sẽ hưởng lợi và nhà đầu tư sẽ đặt thêm niềm tin vào thị trường. Thị trường chứng khoán khi đó sẽ thăng hoa.

Ngoài hai yếu tố trên, theo ông, còn yếu tố nào góp phần kích thích TTCK Việt Nam trong năm nay?

- Khi nền kinh tế hồi phục, mở cửa giao thương, các DN được hỗ trợ thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận của các DN sẽ tốt hơn năm 2021. Đặc biệt, khả năng tiếp tục bị giãn cách như năm 2021 dường như là không thấy nữa.

Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam: Thị trường tiếp tục bùng nổ nhưng khó thăng hạng trong năm nay - Ảnh 3.

TTCK Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Ảnh: tinnhanhchungkhoan

Các yếu tố đều thuận lợi về vĩ mô, vi mô, chính sách. Thêm một yếu tố nữa là Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công. Và đầu tư công thì liên quan rất nhiều ngành nghề như điện, đường, trường, trạm, cầu cống, đường xá… tạo hiệu ứng domino là các ngành nghề khác sẽ được hưởng lợi. Khi đó, các DN đang niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán, kể cả sàn UpCOM cũng hưởng lợi.

Chính sự hưởng lợi từ đầu tư công này sẽ kích thích các nhà đầu tư quan tâm và giải ngân vào thị trường, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Liệu sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong năm 2022 này có tạo tiền để để nâng hạng thị trường?

- Điều này hơi khó. Theo tôi, có thể năm nay chúng ta vẫn chưa kịp nâng hạng TTCK vì điều này mang tính kỹ thuật rất lớn.

Đầu tiên, việc chúng ta vẫn chưa có thể cho nhà đầu tư mua bán tay không (mua bán trong ngày). Hiện nay, hệ thống cũng như khung pháp lý của Việt Nam hiện chưa hoàn chỉnh để hỗ trợ thực hiện nghiệp vụ này. Ví dụ như nhà đầu tư vừa mua cổ phiếu SSI nhưng dự đoán thị trường có thể điều chỉnh thì nhà đầu tư được quyền bán cái nhà đầu tư vừa mua.

"Cần chú ý đến vấn đề phải gia tăng tính thanh khoản của thị trường, bởi thị trường thanh khoản cao, khối lượng giao dịch nhiều thì việc làm giá, trục lợi… càng khó hơn. Còn khi thị trường thanh khoản ít thì một vài lực mua lớn cũng tạo cung cầu ảo, làm sai lệch giá trị.

Ngoài ra, cũng nên tăng cường thêm hàng hóa trên TTCK vì đây cũng là một trong những tiêu chí phải làm để tạo cho nhà đầu tư thêm nhiều lựa chọn hơn…" – ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam.

Đâu đó hiện nay người ta vẫn mượn cụm từ "bán khống", nhưng theo tôi đây là cụm từ không chính xác, phải là mua bán trong ngày. Vì phải mua được cổ phiếu thì mới được quyền bán.

Hiện nay, yếu tố này chúng ta vẫn chưa đáp ứng được. Cho nên, đây cũng là một trở ngại về mặt kỹ thuật nếu muốn nâng hạng TTCK Việt Nam.

Thứ hai, các sản phẩm của TTCK VN vẫn còn khá là mỏng so với yêu cầu của việc nâng hạng.

Thứ 3, một trong những yếu tố mà chúng ta còn lấn cấn là room của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tỷ lệ room vẫn bị khống chế ở một số ngành, mặc dù nhiều ngành đã được mở room cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn có một số ngành như ngân hàng vẫn bị khống chế nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Hiện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể cả Chính phủ đang rất nỗ lực. Và dự kiến, nếu chúng ta quyết tâm thì có thể đáp ứng các tiêu chí và được nâng hạng vào năm 2023.

Có ý kiến cho rằng, việc minh bạch thông tin vẫn là điểm yếu của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Và điều này cũng là yếu tố cản trở việc nâng hạng thị trường, ông đánh giá ra sao về nhận định này?

- Thực ra, các cơ quan quản lý từ Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho đến các đơn vị vận hành thị trường là các sở giao dịch cũng đang rất nỗ lực để lành mạnh hóa thị trường, minh bạch hóa thị trường. Vừa rồi, vụ FLC đã cho thấy sự nỗ lực và quyết liệt của các cơ quan quản lý, cũng như sự phối hợp, phản ứng nhanh từ các sở giao dịch sau khi phát hiện ra giao dịch "chui" của Chủ tịch FLC.

Các cơ quan quản lý đã xúc tiến và xử lý một cách nhanh chóng, có tình, có lý và thực sự đã trấn an được tâm lý nhà đầu tư. Đặc biệt đã không để lại bất cứ băn khoăn, trăn trở gì từ phía họ.

Một cách rất công bằng, tôi cho rằng phía cơ quan quản lý thời gian qua đã xử lý rất nghiêm minh. Cho nên, nếu mà nói thị trường chứng khoán Việt Nam chưa minh bạch thì không hẳn. Vấn đề là đôi khi cơ quan quản lý quyết tâm, nhưng vẫn có một số cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm để trục lợi thì chuyện này không phải là lỗi của cơ quan quản lý.

Cho nên, cần nhìn vào cái cách mà cơ quan quản lý xử lý vấn đề để thấy được rằng chúng ta đang cố gắng để thị trường minh bạch hơn, lành mạnh hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem