GDP cả nước tăng trưởng 5,18% trong sáu tháng

Thứ sáu, ngày 27/06/2014 17:43 PM (GMT+7)
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09% và quý II tăng 5,25%.
Bình luận 0
Đó là con số mà Tổng cục thống kê vừa cho biết tại Chương trình họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014.

Các khu vực kinh tế khởi sắc

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế -xã hội trong 6 tháng qua đã diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị.

Trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực, như sức mua trên thị trường thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao,sức ép nợ xấu còn nặng nề, hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm...

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra thiếu đồng bộ và chưa thực sự có những bước đi hiệu quả. Ngoài ra, thời gian gần đây tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, bước đầu ảnh hưởng đến động thái phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư cả nước.

Ông Lâm nhấn mạnh, trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp và địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Sự nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cả nước, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, từng bước phát triển sản xuất, tạo tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp đánh giá, tăng trưởng GDP đạt 5,18% là mức tăng cao so với mức tăng cùng kỳ năm 2012 và 2013. Đáng chú ý, cả ba khu vực kinh tế đều có mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2013.

Cụ thể, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.

img

Dấu hiệu tích cực toàn diện về tăng trưởng của nền kinh tế. (Ảnh: minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sản xuất công nghiệp phục hồi

Báo cáo kinh tế-xã hội cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng Sáu ước tính tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,8% (quý I tăng 7,4%, quý II tăng 8,3%) và cao hơn mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2013, đóng góp 5,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Bên cạnh đó, trong các ngành sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất xe có động cơ tăng 22,9%; dệt tăng 21,3%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,2%...

Về địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước của Hải Phòng tăng 11,9%; Đà Nẵng tăng 10,7%; Quảng Nam tăng 9,3%; Hải Dương tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 7,7%; Bình Dương tăng 7,3%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,6%; Hà Nội tăng 4,3%.

Bà Vẫn cũng cho biết, mức tiêu thụ cũng có những chuyển biến tích cực, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2014 tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, chỉ số tiêu thụ ngành này tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 7,6% của chỉ số sản xuất ngành này 5 tháng đầu năm 2013).

Đáng chú ý, tình trạng hàng tồn kho lại có dấu hiện tăng lên, tại thời điểm 1.6.2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng thời điểm năm 2013, cao hơn mức tăng 9,7% của cùng thời điểm năm trước và cao hơn mức tăng 12,6% của cùng thời điểm tháng trước.

Cụ thể, tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 5 tháng đầu năm nay là 77,7%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 164,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 131,9%; sản xuất kim loại 89%.

Khái quát tình hình chung, ông Lâm nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội nước ta 6 tháng đầu năm nay tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi dần, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng khá.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập chưa được giải quyết triệt để nên thời gian tới, những thách thức mới xuất hiện sẽ gây không ít áp lực cho sản xuất, kinh doanh trong nước và ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

Theo ông Lâm, để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014, trong những tháng cuối năm cả nước cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu mang tính cấp bách và cần thiết.

"Cụ thể là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nâng cao hiệu quả đầu tư; tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu; tập trung phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu," ông Lâm nói.
(Theo Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem