Gen Z góp phần làm thay đổi môi trường công sở

Thứ bảy, ngày 12/02/2022 06:05 AM (GMT+7)
Mỗi thế hệ đều mang đến một làn gió mới cho môi trường công sở. Gen Z, thế hệ sinh từ năm 1997 đến 2012, không hề biết đến một thế giới không có internet và công nghệ thông minh.
Bình luận 0
Gen Z góp phần làm thay đổi môi trường công sở - Ảnh 1.

Theo khảo sát của Ernst & Young, thế hệ Gen Z có xu hướng làm những công việc mà họ yêu thích, hơn là chỉ vì tiền; họ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội và môi trường (Ảnh: Yahoo News).

Coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Theo giáo sư Diane Gayeski, nguyên trưởng khoa Truyền thông tại Trường Ithaca (Mỹ), Gen Z nhận thức rõ sự ảnh hưởng của một cuộc sống quá tập trung vào công việc đối với gia đình họ. Gen Z nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Chính vì vậy, họ muốn làm việc trong những tổ chức mà họ ngưỡng mộ, và họ muốn xây dựng một cuộc sống có thời gian dành cho gia đình, bạn bè, cũng như các sở thích cá nhân.

Chelsea Cohen, đồng sáng lập của công ty phần mềm dịch vụ SoStocked cũng đồng ý với nhận định trên. Bà khẳng định rằng Gen Z là một thế hệ của những cá nhân tự nhận thức. Những điều mà bố mẹ của Gen Z đã trải qua chính là động lực để những người trẻ ý thức hơn việc tách biệt công việc khỏi đời sống cá nhân.

Những người trẻ thảo luận rất cởi mở về những vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc. Họ muốn nhà tuyển dụng cung cấp các dịch vụ và quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của họ như trị liệu tại nơi làm việc, ngày nghỉ tự chăm sóc bản thân được trả lương.

Quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội

Gen Z đã trải qua những biến động xã hội như đại dịch Covid-19 và biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc. Chính điều đó đã góp phần nâng cao nhận thức của họ về những hành vi xã hội và cách quan tâm nhân viên trong chốn công sở.

Gen Z cũng tích cực thúc đẩy các công ty đảm bảo sự đa dạng, công bằng, hội nhập trong môi trường làm việc. Nếu doanh nghiệp không đảm bảo được những vấn đề này, họ sẽ khó có thể tuyển dụng được những tài năng xuất sắc.

Đòi hỏi không gian tiện nghi đặc biệt

Mỗi cá nhân Gen Z ngày càng mong muốn các công ty xây dựng được những không gian tiện nghi, đáp ứng được nhu cầu học hỏi đa dạng của họ, hoặc hỗ trợ họ vượt qua những hạn chế về thể lực và tinh thần.

Theo giáo sư Gayeski, hầu hết các công ty hiện nay chưa thực sự trang bị đủ không gian để hỗ trợ cho những nhân viên có vấn đề về sức khỏe, hay có những khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng.

Gen Z ưu tiên sức khỏe tinh thần

Những người trẻ đặc biệt quan tâm tới vấn đề sức khỏe tinh thần. Họ không chỉ trao đổi cởi mở về vấn đề này tại nơi làm việc, mà họ còn muốn nhà tuyển dụng cung cấp các dịch vụ và quyền lợi liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của họ, như trị liệu tại nơi làm việc, ngày nghỉ tự chăm sóc bản thân được trả lương.

Những doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần đối với nhân viên thuộc thế hệ Gen Z sẽ thu hút và giữ chân được nhiều nhân tài.

Những mong muốn về quyền lợi khác lạ

Nếu như các hệ trước kia chỉ quan tâm đến quyền lợi về thu nhập hay sức khỏe, thì Gen Z giờ đây sẽ mang đến một làn sóng mới cho những quyền lợi của nhân viên, ví dụ như: "ngày nghỉ dưỡng tinh thần, công ty chi trả bảo hiểm cho thú cưng, và tạo cơ hội cho nhân viên được làm việc tại nhà".

Cách tìm việc khác biệt

Những kênh thông tin truyền thống như LinkedIn hay Indeed đã trở nên lạc hậu đối với những người trẻ. Thay vào đó, những ứng dụng mới nhất hiện nay như Tiktok mới là nơi để Gen Z gửi gắm bản sơ yếu lý lịch và tìm việc.

Bên cạnh đó, những người trẻ rất thích được trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng. Nhưng dù vậy, họ cũng không hứng thú lắm với những cuộc phỏng vấn trên Zoom hay những bài kiểm tra đầu vào.

Coi trọng phong cách làm việc linh hoạt và vui vẻ hơn

Bởi vì thế giới đang dần gắn liền với công nghệ thông minh trong mọi lĩnh vực của đời sống, nên Gen Z cũng mong muốn công việc trở nên dễ dàng, liền mạch và có thể tiếp cận mọi lúc. Có thể kể đến những cuộc họp liên tục thay cho những cuộc gặp theo đợt, những phản hồi tức thì thay cho các lần đánh giá hiệu quả làm việc chỉ diễn ra một lần mỗi năm.

Không những thế, đại dịch Covid-19 cũng giúp Gen Z nhận thấy những giá trị và tiện lợi của làm việc tại nhà: quan hệ hợp tác trong công ty được cũng cố, dẫn đến việc tuyển dụng và giao việc dễ dàng hơn bao giờ hết.

Coi trọng sự tương tác 

Kamyar Shah, nhà sáng lập của một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết phần đông giới trẻ thích nói chuyện trực tiếp với bạn bè, người thân và đồng nghiệp hơn là nhắn tin. Ông đã đưa ra một số gợi ý cho các công ty như sau:

- Ưu tiên họp bằng video thay vì chỉ gọi điện đơn thuần.

- Tạo điều kiện để Gen Z có những cuộc họp mặt trực tiếp nhiều hơn.

- Không xem nhẹ ý kiến của nhân viên. Lãnh đạo nên thường xuyên kiểm tra công việc và có những đốc thúc, đánh giá theo tuần.

- Khuyến khích tinh thần đoàn kết của nhân viên thông qua các hoạt động xã hội.

- Rà soát lại các kênh giao tiếp. Gen Z thích dùng thư điện tử, tin nhắn và mạng xã hội để giao tiếp hàng ngày.

Thích ứng với công nghệ thông tin

Do sống trong một xã hội có nền công nghệ phát triển rực rỡ, Gen Z rất sáng tạo khi làm việc trong những môi trường hiện đại. Trên thực tế, tiện ích công nghệ trong công ty là một yếu tố quyết định để xin việc của 91% Gen Z. Mối quan hệ giữa Gen Z và công nghệ đã và đang thúc đẩy việc phát triển các môi trường làm việc hiện đại.

Chú ý hơn đến tiền lương

Cuộc đại khủng hoảng lao động như một lời thức tỉnh Gen Z về những quyền lợi của họ tại môi trường làm việc. Những gánh nặng về tiền bạc, khoản nợ sinh viên đã khiến Gen Z đặt vấn đề thương lượng tiền lương lên hàng đầu khi xin việc ở các công ty, thay vì quan tâm đến việc phát triển bản thân như thế hệ trước.

Theo Đức Chung dịch (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem