Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Song ít có người nhắc đến quần đảo Chatham bởi quần đảo ở cực đông New Zealand này còn rất hoang sơ. Nhưng chính điều đó lại khiến Chatham trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn chạy trốn khỏi cái ồn ào của phố thị.
Tự nhiên tuyệt vời
Cách duy nhất để đến Chatham là đáp máy bay xuống sân bay Tuuta trên đảo. Hãng hàng không Air Chathams mở đường bay Christchurch-Chatham và Wellington-Chatham 4 chuyến/ tuần vào mùa đông và 6 chuyến/ tuần vào mùa hè. Bởi vì không có chuyến bay khứ hồi trong cùng ngày nên du khách sẽ phải dành ít nhất một đêm trên đảo. Tốt nhất là du khách nên đặt phòng khách sạn trước ít nhất 3 tuần để tránh mất nhiều thời gian cho việc tìm phòng.
Quần đảo Chatham bao gồm đảo lớn Chatham và đảo bé Pitt. Trên đảo Chatham chỉ có khoảng 600 người sống. Phần lớn diện tích đảo là rừng, đồng cỏ, hồ, đầm lầy và bãi biển. Mật độ các loài động, thực vật khác nhau cùng chung sống trên đảo Chatham khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Tại đây có tới 388 loài thực vật, trong đó có 47 loài đặc hữu như hoa lưu ly Chatham, hoa cúc Chatham, cây Giáng sinh Chatham...
Nhiều du khách đến Chatham để ngắm nhìn những loài chim quý hiếm như chim petrel tím (loài chim biển hiếm nhất thế giới), chim bắt sò Chatham, vẹt Chatham, oanh đen... Khu bảo tồn tự nhiên Tuku là “nhà” của những giống chim kể trên. Còn nếu du khách muốn ngắm nhìn sư tử biển, hải cẩu và cá voi, hãy đến mũi đất Munning. Tại đây lúc nào cũng có hàng nghìn con hải cẩu chen chúc nhau.
Phá Te Whanga là điểm đến dành cho những ai thích bắt cá. Nước lợ mà nông nên có rất nhiều cá mồi trắng, lươn, nghêu, sò, hến... Du khách chỉ cần thuê cần câu và xẻng, xô, rây lọc là có thể tìm được nguyên liệu cho bữa ăn của mình. Chưa hết, bãi biển cát đá vôi ở phá nước còn là “nấm mồ” cho hàng trăm con cá mập thời tiền sử. Những du khách thật sự may mắn có thể tìm thấy một chiếc răng nanh của chúng khi đi dạo trên bãi cát.
Cách phá Te Whanga không xa là bãi đá bazan. Tại đây có cả trăm cột đá đen hình lục giác xếp cạnh nhau như bàn cờ. Chúng thực chất là nham thạch núi lửa bị sóng biển bào mòn theo thời gian.
Đảo bé Pitt chỉ có 40 người sinh sống nhưng cũng là điểm đến rất lý thú. Đây là nơi đón ngày mới sớm nhất trên thế giới. Nhiều du khách đến với đảo Pitt chỉ để được đứng trên mũi đất cực đông đảo và làm người đầu tiên đón ánh sáng bình minh. Một điểm đẹp để chờ bình minh trên đảo là mũi đất nhìn ra tảng đá nằm giữa biển mà dân địa phương gọi là “kim tự tháp”. Tảng đá là “nhà” của giống hải âu Chatham chỉ nơi đây mới có.
Khám phá văn hóa địa phương
Chatham tuy dân số ít nhưng lại là nhà của ba dân tộc khác nhau: Moriori, Maori và người da trắng. Người Moriori là cư dân bản địa của Chatham. Hiện chỉ còn khoảng 1.000 người Moriori sống trên khắp New Zealand, trong đó riêng trên đảo Chatham chỉ còn gần 40 người. Tame Horomona Rehe (tên tiếng Anh: Tommy Solomon) là người Chatham thuần huyết cuối cùng. Ông vốn là một nhà nông học, chủ trang trại và nhà từ thiện nổi tiếng. Sau khi Tame mất vào năm 1933, con cháu tạc tượng ông và biến trang trại trở thành bảo tàng. Ngày nay, bức tượng và Bảo tàng Tommy Solomon là điểm đến không thể bỏ qua trên đảo Chatham.
Một điểm đến khác dành cho những du khách muốn khám phá văn hóa địa phương là bảo tàng Chatham. Bảo tàng sở hữu bộ sưu tầm đồ sộ những cổ vật và tư liệu về lịch sử và cuộc sống của người dân Chatham từ thời tiền sử đến nay. Bảo tàng còn có cả một khu “hiện vật sống” để các nghệ nhân, nghệ sĩ địa phương trổ tài. Khu nuôi ong theo cách truyền thống của bảo tàng cũng cuốn hút nhiều du khách. Mật ong Chatham nổi tiếng khắp New Zealand nhờ những con ong ăn mật hoa cây Tarahina bản địa. Du khách ghé thăm bảo tàng đừng quên mua cho mình vài chai mật ong.
Khu bảo tồn lịch sử quốc gia J.M. Barker tại Chatham vốn là một khu rừng mang ý nghĩa tâm linh quan trọng với dân tộc Moriori. Thay vì nặn tượng thì họ tạc những hình ảnh tâm linh lên trên thân cây để thờ cúng. Những hình khắc trên cây sau hàng trăm năm mà vẫn còn nhìn rõ, chứng tỏ sự kỳ công và đôi bàn tay khéo léo của người Moriori.
Ở gần khu bảo tồn J.M. Barker là hang Nunuku. Hang này tương truyền là nhà tộc trưởng Nunuku. Ông đặt lệnh cấm giết người và đem lại hàng trăm năm bình yên cho hòn đảo. Vậy nhưng lịch sử của cái hang còn lâu hơn cả Nunuku. Trên tường hang có những hình khắc từ thời tiền sử.
Di tích lịch sử Nhà truyền đạo của người Đức trên đường Waitangi được xây vào năm 1866 bởi những nhà truyền đạo xứ Moravia (ngày nay thuộc Cộng hòa Séc). Ngôi nhà có vẻ ngoài độc đáo nhờ bốn bức tường đá được kết dính bằng thạch cao làm từ vỏ sò. Nơi đây ngoài là nhà ở của các nhà truyền đạo còn từng là trường học duy nhất trên đảo. Ngôi nhà và mảnh đất bao quanh hiện là di tích lịch sử quốc gia cấp I.
Nói về hội hè, ngoài những ngày lễ quốc gia, Festival Chatham là sự kiện lớn nhất trên đảo. Festival được tổ chức vào đầu tháng 3 hằng năm, là dịp để người dân đảo tụ tập ăn uống và thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Trong những năm gần đây, khi du lịch phát triển ở Chatham, Festival Chatham còn đón cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp đến từ nhiều nơi trên đất nước New Zealand.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.