Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung: Bước đột phá cần làm tránh bức cung

Hòa Nguyễn Thứ năm, ngày 09/11/2017 19:03 PM (GMT+7)
Trước việc liên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao vừa xây dựng dự thảo về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, giới chuyên gia cho rằng, đó là một bước tiến quan trọng, đảm bảo quyền nhân thân con người.
Bình luận 0

Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử với 3 chương, 12 điều vừa được 4 cơ quan Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, đang nhận được nhiều phản ứng tích cực từ dư luận.

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Vũ Thái Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe nhận định, đề xuất ghi âm, ghi hình khi hỏi cung hay lấy lời khai là một việc quan trọng cần làm.

Theo luật sư Hà, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh khi lực lượng chức năng tiến hành hỏi cung hay lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ tránh được nhiều vấn đề bất cập xảy ra từ trước tới nay.

img

img

Hai vụ án liên quan tới ông Nguyễn Thanh Chấn (ảnh trên) và ông Huỳnh Văn Nén (ảnh dưới) là những vụ án oan sai nghiêm trọng và cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình điều tra vụ án.

“Theo quan điểm của tôi, việc hỏi cung hay lấy lời khai của cán bộ điều tra nên ghi âm, ghi hình đầy đủ, hoặc chỉ hỏi cung khi có luật sư, tránh việc mớm cung, dùng nhục hình, tạo ra án oan sai. Nhãn tiền đã có nhiều trường hợp oan sai được thông tin trong dư luận” - ông Hà nói.

Nhận định quá trình lấy cung, lấy lời khai cần phải được minh bạch, luật sư Vũ Thái Hà phân tích, mỗi cá nhân đều có quyền im lặng, quyền trả lời và quyền có luật sư. Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh sẽ đảm bảo được họ không bị những áp lực nào đó dẫn đến làm sai lệch vụ án.

Vị luật sư này dẫn chứng, trước đó nhiều vụ án có các quan điểm trái chiều trong dư luận thì lý do băn khoăn từ hoạt động ở cơ quan điều tra (CQĐT) là đầu tiên. Những chứng cứ ở giai đoạn điều tra này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới vụ án. Nếu vụ án không được điều tra khách quan, sẽ bị sai lệch dẫn tới nhiều trường hợp oan sai xảy ra.

“Việc ghi âm, ghi hình có âm thanh rất có lợi trong quá trình điều tra, tôi ủng hộ. Trước mỗi vụ án, các công cụ này sẽ đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra, CQĐT sẽ phải làm việc cẩn thận, nghiêm túc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong từng vụ án. Hơn nữa, thông tin thu thập từ quá trình ghi âm, ghi hình là những chứng cứ quan trọng để giúp cho luật sư trong việc bào chữa cho bị can, bị cáo” - Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư Hà, Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 27.11.2015, trong đó, những vấn đề về ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can đã được ghi nhận là một bước tiến lớn.

img

Theo giới chuyên gia, việc đề xuất bắt buộc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung là một bước tiến quan trọng, đảm bảo sự minh bạch cũng như quyền pháp nhân của con người.

Ngoài việc đảm bảo quyền con người và sự minh bạch, việc ghi âm, ghi hình được áp dụng trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai sẽ là bằng chứng quan trọng, đẩy mạnh tranh tụng tại tòa, án oan sai sẽ bị hạn chế rõ rệt.

Trước đó, trả lời báo giới, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp đánh giá cao việc áp dụng ghi âm, ghi hình trong những lần hỏi cung bị can trong quá trình điều tra.

Theo ông Phúc, trong khuôn khổ hạn chế của mô hình tố tụng hình sự, những giải pháp như ghi âm, ghi hình là một trong những phương thức làm tăng tính tranh tụng, ít nhất là hạn chế được những chuyện tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật.

Tại cơ sở giam giữ, trụ sở Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo trình tự:

1. Cán bộ hỏi cung đăng ký với cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hệ thống kỹ thuật ghi âm, ghi hình tại nơi giam giữ.

2. Lực lượng có liên quan bố trí phòng làm việc, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

3. Cán bộ hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam).

4. Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đến phòng làm việc, thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết về việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (đối với lần làm việc đầu tiên), việc thông báo phải ghi vào biên bản sau đó tiến hành làm việc.

5. Việc ghi âm, ghi hình bắt đầu khi cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân nhấn nút bắt đầu (cán bộ hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản).

Trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai có thể tạm dừng ghi âm, ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng. Trước khi tạm dừng cán bộ hỏi cung, lấy lời khai, phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản.

6. Kết thúc buổi làm việc, cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân biết buổi hỏi cung hoặc lấy lời khai kết thúc và nhấn nút kết thúc, thời gian kết thúc ghi rõ trong biên bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem