Ghi dấu từ sự đồng cảm cộng đồng

Thứ hai, ngày 05/11/2012 06:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Ở đây ngày nắng đêm sương/Ngày thương nước bạn, đêm thương nước mình” - câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến - một người Việt ở Nga - được coi là nỗi niềm chung của những người Việt ở Nga.
Bình luận 0

Tác phẩm nóng hổi thời cuộc

Cách đây hơn 50 năm, những nhà văn đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô gồm: Nguyễn Văn Bổng, Võ Huy Tâm, Thanh Tịnh, Nguyên Ngọc và nữ sĩ Anh Thơ đã đặt một dấu mốc cho sự giao lưu, kết nối giữa văn học Việt Nam và văn học Nga ngày nay.

img
Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thúy Toàn bên những tác phẩm văn học của người Việt ở Nga.

Đặc biệt những năm 1980, lượng người Việt sang lao động và học tập tại Nga lên đến vài trăm nghìn và trong đội ngũ trí thức, lao động đông đảo ấy, nhiều người đã sớm gắn bó với nghiệp nghiên cứu và sáng tác văn chương.

Văn học Việt bắt đầu một dòng chảy mãnh liệt tại xứ sở bạch dương kể từ đây. Năm 1994, Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga ra đời, quy tụ gần 100 cây bút thơ, văn, nhạc, hoạ là những người chủ yếu đang học tập, lao động, sinh sống ở Matxcơva.

Những tác phẩm nóng hổi ra đời lúc bấy giờ phản ánh cuộc vật lộn với bát cơm manh áo nơi đất khách quê người, nỗi trăn trở khôn nguôi về “cơn địa chấn” trong xã hội Nga thời hậu Liên Xô.

Thực trạng xã hội ấy như một thứ xúc tác tạo đà cho sự ra đời của những tác phẩm thấm nỗi đau đời và tình cảm chan chứa đối với nước Nga, đối với quê hương Việt. Từ đây xuất hiện nhiều gương mặt mới trong các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu văn chương góp phần làm sôi động đời sống văn học, như Nguyễn Đình Lâm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thanh Xuân, Hồng Chiên, Thụy Anh, Võ Thị Thu Trang, Nguyễn Đình Chiến… Có những bài thơ dành được những tình cảm sâu sắc trong lòng bạn đọc như: “Hoàng hôn nhớ” của Nguyễn Đình Chiến, “Ngoảnh lại”, “Dư âm”, “Phía bên kia trời”, “Miền yêu thương” của Nguyễn Huy Hoàng; “Heo may xứ tuyết” của Bùi Quang Thanh; “Sông trưa” của Vũ Xuân Hương…

Bên cạnh đội ngũ đông đảo của thi ca, các cây bút văn xuôi cũng được đánh giá khá cao. Nhiều tác phẩm xuất hiện trên báo chí tại Matxcơva cũng như trong nước thể hiện những mảng đời chân thực, sống động và tạo nhiều dư âm, có thể kể ra: “Bây giờ là tháng 5” của Vũ Thanh, “Bảy tam thất” của Châu Hồng Thuỷ, “Vòng đời” của Nguyễn Phúc, “Hai đầu một bức thư tình” của Hữu Đạt, “Hoa bồ công anh” của Thiên Can, “Địa tầng đứt gãy” của Tiến Hoá…

Không bao giờ quên thơ

Hầu hết các ý kiến tại buổi toạ đàm “Văn học người Việt ở Nga - Một chặng đường” tổ chức ngày 2.11 tại Hà Nội đều cho rằng: Những sáng tác văn chương của người Việt tại Liên bang Nga luôn ẩn hiện trong đó nỗi niềm, suy tư, tình cảm và tâm trạng chung của người Việt xa xứ. Nhà văn Tiến Hoá chia sẻ: “Tiểu thuyết “Địa tầng đứt gãy” viết về âm mưu lật đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô thông qua thân phận của những người Xô viết, cũng như thân phận của người Việt Nam sống và học tập tại đây. Theo tôi đó là một bức tranh bi tráng và cũng hết sức sinh động, chân thực qua các mối quan hệ, qua mọi tầng lớp, thành phần và lứa tuổi khác nhau”. Phản ánh được như thế cũng dễ hiểu, bởi nhà văn chính là người đã có hơn 10 năm sống và làm việc tại Nga, là người phụ trách giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động người Việt...

Có những giai đoạn, gần như mỗi năm không dưới 5 đêm thơ của những tác giả người Việt được tổ chức hoành tráng tại các trung tâm thương mại lớn. Hàng trăm người yêu thơ đã gạt đi nỗi vất vả đời thường để hoà vào nỗi đồng cảm với các nhà thơ của cộng đồng mà họ hằng yêu mến.

Nhà thơ, nhà văn Bùi Quang Thanh - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quên những đêm thơ Nguyên tiêu, hội trường từ 300 - 500 chỗ ngồi mà luôn chật kín không còn cả chỗ đứng. Xúc động lắm, vui mừng lắm, khi ban ngày bà con của mình dầm mình với bão tuyết, với những lo toan kiếm tiền, nhưng tối đến vẫn lặn lội, say sưa nghe thơ đến 1 - 2 giờ sáng”.

Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Thuý Toàn đánh giá: “Nhánh văn học của người Việt ở Nga rất phong phú và đa dạng với rất nhiều tác phẩm từ tiểu thuyết, văn xuôi đến bút ký, thơ… Những tạp chí văn chương Việt như Người bạn đường, Đất nước, Tao đàn, Quê hương… ra đời tại Nga đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người Việt xa xứ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem