Giá cà phê ngày 19/2: Chợ thế giới nhu cầu vẫn cao, giá cà phê tầm này chỉ nói một chữ tăng
Giá cà phê ngày 19/2: Chợ thế giới nhu cầu vẫn cao, giá cà phê tầm này chỉ nói một chữ tăng
Nguyễn Phương
Thứ hai, ngày 19/02/2024 12:15 PM (GMT+7)
Giá cà phê hôm nay 19/2 trong khoảng 80.700 - 81.600 đồng/kg. Nhu cầu thế giới đang cao và nguồn cung hạn chế nên xu hướng giá cà phê trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Giá cà phê hôm nay 19/2: Giá cà phê tiếp tục tăng, trong nước lập kỷ lục mới
Theo ghi nhận, phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục đứng ở mức cao. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng 26 USD, lên 3.231 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 33 USD, lên 3.141 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cũng xu hướng hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 1,55 cent, lên 190,85 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng tăng thêm 1,55 cent, lên 186,70 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê tại thị trường Tây Nguyên hôm nay tăng tiếp 200 - 400 đồng/kg. Cụ thể, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 80.700 - 81.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức giá thấp nhất là 80.700 đồng/kg, kế đến là tỉnh Gia Lai với mức giá 81.400 đồng/kg, cùng tăng 400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông lần lượt ghi nhận mức giá là 81.500 đồng/kg và 81.600 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg và 200 đồng/kg.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam - nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Những lo ngại liên tục về tình hình nguồn cung, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, cùng với tồn kho trên sàn ICE thấp kỷ lục đẩy Robusta tăng tới 14% tính từ đầu năm đến nay. Đà tăng ở Việt Nam thậm chí còn mạnh hơn khi các thương nhân vẫn đang giữ lại hạt cà phê với kỳ vọng giá cao hơn. Điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex- cho hay, trong những ngày Tết Giáp Thìn vừa qua, các đơn hàng của doanh nghiệp đã được chuẩn bị. Vì vậy sau Tết hoạt động xuất khẩu diễn ra bình thường.
Cũng theo ông Nam, hiện tại vấn đề căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng đi) nên gần như không bị tác động.
Theo các chuyên gia thuộc Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam (VICOFA), các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Năm 2023, các doanh nghiệp gần như "vét sạch" kho hàng để xuất khẩu. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6/2023, người dân đã không có cà phê bán. Hiện tồn kho hàng hóa này giảm mạnh, kết hợp cùng một số yếu tố khác trên thị trường là lý do để giá cà phê liên tục lập đỉnh mới.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá hàng hóa sẽ có nhiều thay đổi trong năm nay. Trong tháng 1, giá hầu hết các mặt hàng nông sản có xu hướng tăng so với thời điểm tháng 11/2023, trong đó, cà phê tăng 4-9%...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,2-4,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, sầu riêng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.