Giá cà phê ngày 6/1: Không dễ mua Robusta từ nhà nông, giá cà phê tiếp tục tăng vọt
Giá cà phê ngày 6/1: Không dễ mua Robusta từ nhà nông, giá cà phê tiếp tục tăng vọt
Nguyễn Phương
Thứ bảy, ngày 06/01/2024 12:44 PM (GMT+7)
Theo ghi nhận, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới tiếp tục tăng vọt, nhà nông của hầu hết các nước Đông Nam Á đều giữ cà phê lại chờ giá tăng lên mức thỏa đáng. Trong nước, giá cà phê giữ ở mức cao, giá cao nhất trong các địa phương được khảo sát là 67.900 đồng/kg.
Giá cà phê ngày 06/01/2024: Robusta nối tiếp đà hồi phục
Các thương nhân cà phê tại khu vực Đông Nam Á cho biết, sẽ không dễ mua cà phê Robusta từ tay nhà nông trong khu vực này nếu không đưa ra một mức giá chênh lệch cộng thỏa đáng so với giá kỳ hạn London.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London nối tiếp đà hồi phục. Kỳ hạn giao tháng 3 tăng thêm 9 USD, lên 2.795 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng thêm 13 USD, lên 2.727 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm phiên thứ ba. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm thêm 2,75 cent, xuống 182,80 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 2,40 cent, còn 181,10 cent/lb, các mức giảm rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay duy trì ổn định. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 66.900 - 67.900 đồng/kg. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 66.900 đồng/kg. Kế đến là Gia Lai với giá 67.700 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk giao dịch với mức giá lần lượt là 67.800 đồng/kg và 67.900 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp tục xu hướng trái chiều sau thông tin dự báo thời tiết Brazil sẽ có mưa tốt trong tuần tới hỗ trợ cho cây cà phê tăng năng suất nhưng lại khiến giá kỳ hạn New York sụt giảm.
Theo Barchart.com, nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm đã đẩy giá cà phê giao ngay lên mức cao kỷ lục. Tuần trước, Tổng cục Thống kê đã báo cáo xuất khẩu cà phê cả năm 2023 giảm 9,6% so với năm trước xuống chỉ đạt 1,60 triệu tấn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ hiện tại 2023/2024 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết. Trong khi đó, Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa) đã dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 của Việt Nam sẽ giảm xuống ở mức 1,6 – 1,7 triệu tấn, giảm so với mức 1,78 triệu tấn của niên vụ trước.
Giá cà phê Robusta được hỗ trợ từ mức tồn kho ICE – London hôm qua, thứ sáu ngày 05/01 đã giảm 610 tấn, tức giảm 1,74% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 34.400 tấn (khoảng 573.333 bao, bao 60 kg), xấp xỉ với mức thấp kỷ lục hồi đầu tháng 9/2023.
DXY tiếp tục sụt giảm, bất chấp dữ liệu việc làm tháng 12 của Mỹ tốt hơn dự báo. Các sàn chứng khoán vẫn giữ được màu xanh khiến giá cả hàng hóa các loại rơi vào thế bất lợi do lo ngại triển vọng cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các nhà quan sát, đồng Reais – Brazil tăng 0,71% đã khiến người Brazil giảm bán cà phê xuất khẩu, trong khi khối lượng thương mại trên cả hai sàn giảm sút rõ rệt do nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài các thị trường để chờ đợi, nghe ngóng thêm.
Nhìn chung nhập khẩu cà phê của hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều được dự báo tăng trong niên vụ 2023-2024.
USDA dự báo nhập khẩu cà phê nhân của Liên minh châu Âu (EU) sẽ phục hồi và tăng hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước lên mức kỷ lục 47 triệu bao trong niên vụ 2023-2024, chủ yếu do xuất khẩu mạnh hơn từ Brazil. Trong khi nhập khẩu cà phê rang và hòa tan không đổi ở mức 1,4 triệu bao và 3,7 triệu bao.
Nhập khẩu cà phê của EU chủ yếu là cà phê nhân chưa rang, chiếm khoảng 90% tỷ trọng. Các nhà cung cấp hàng đầu của khu vực trong niên vụ 2022-2023 (tháng 10 đến tháng 9) gồm Brazil (32%), Việt Nam (26%), Uganda (7%) và Honduras (6%).
EU đã nhập khẩu kỷ lục 49,1 triệu bao vào niên vụ 2021-2022, nhưng giảm 2,6 triệu bao trong vụ 2022-2023 do nhập khẩu từ Brazil giảm mạnh dù được bù đắp phần nào bởi mức tăng từ Việt Nam.
Việc EU nhập khẩu nhiều cà phê từ Việt Nam và giảm mua từ Brazil, cho thấy các nhà rang xay có xu hướng sử dụng nhiều Robusta hơn. Hai quốc gia này chiếm 54 - 58% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của EU trong 10 năm qua, để lại thị phần hạn chế cho các nhà cung cấp khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.